Hà Nội: Tu bổ, tôn tạo Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đình Thanh Hà

Di tích Đình Thanh Hà có bề dày lịch sử, lưu giữ một khối lượng lớn những di vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu và phong phú về số lượng như: thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối..

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại lễ khởi công. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại lễ khởi công. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Ngày 1/3, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đình Thanh Hà, số 10 phố Ngõ Gạch, phường Đồng Xuân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với Thăng Long-Hà Nội.

Đình Thanh Hà thờ tướng quân Trần Lựu, một vị tướng anh hùng có nhiều công lao đóng góp trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc thời Trần - thế kỷ 13, được Vua ban sắc phong vào hàng Thượng đẳng thần.

Đây là công trình kiến trúc đình làng truyền thống với lối kết cấu kiến trúc chữ "Công," bao gồm tam quan, nhà tiền bái, phương đình và hậu cung, bằng những vật liệu kiến trúc truyền thống.

Di tích Đình Thanh Hà có bề dày lịch sử, lưu giữ một khối lượng lớn những di vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu và phong phú về số lượng như: thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối, cửa võng, chuông, đại tự, khánh văn bia, ngựa thờ, đồ gốm sứ…

Các di vật có niên đại trải dài từ thời Lê sang thời Nguyễn, tiêu biểu có hơn 50 viên gạch trang trí thời Mạc và 9 tấm bia đá thời Nguyễn, trong đó quan trọng là bia "Thanh Hà ngọc phả bi ký" khắc lại một bia thời Lê và bia "Trùng tu Thanh Hà đình bi ký" ghi lại sự tích và lịch sử xây dựng.

Nằm giữa trung tâm Thủ đô, trong khu vực 36 phố phường cổ xưa, đình Thanh Hà từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng.

Đặc biệt, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, nơi đây là chỉ huy sở, trạm cứu thương, trạm tiếp tế cho bộ đội chiến đấu với một hệ thống hầm hào từ đình tỏa khắp các khu phố góp phần vào thắng lợi 60 ngày đêm giam chân giặc Pháp ở Liên khu I.

Trải qua thời gian dài tồn tại với những biến cố thăng trầm của lịch sử, thời tiết khí hậu khắc nghiệt và tác động của con người, Đình Thanh Hà xuống cấp nghiêm trọng. Một số cấu kiện gỗ mối mọt, mất an toàn, hệ thống mái ngói bị hỏng, xô lệch, thấm dột...

Dự án tu bổ, tôn tạo Đình Thanh Hà được phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện đầy đủ các bước chuẩn bị dự án theo quy định. Quy mô tu bổ, tôn tạo tổng thể đình bao gồm: tu bổ các hạng mục chính, từ tiền tế, phương đình, hậu cung; tu bổ nhà Mẫu; nhà Thủ từ-soạn lễ; can thờ Mẫu Thượng thiên; tu bổ nội thất, đồ thờ; nghi môn, cổng phụ, tường rào; am hóa vàng…

Cùng với đó là tu bổ hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện; chiếu sáng di tích; cấp thoát nước; hệ thống phòng cháy, chữa cháy; cây xanh, sân vườn; chiếu sáng kiến trúc công trình… Thời gian hoàn thành là năm 2025.

Phó Trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết thời gian vừa qua, Ban đã nghiên cứu, lập phương án tu bổ, tôn tạo Đình Thanh Hà nhằm phát huy giá trị di sản của một Di tích Kiến trúc Nghệ thuật đã được xếp hạng cấp Quốc gia.

Đình sẽ trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho người dân trong khu vực cũng như trở thành một điểm thu hút khách du lịch thập phương mỗi khi về thăm khu Phố cổ Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết Đình Thanh Hà là một trong những di tích được xếp hạng sớm nhất của thành phố Hà Nội.

Với sự nỗ lực của các đơn vị quận Hoàn Kiếm và sự phối hợp của các sở, ngành thành phố, quận đã di chuyển các hộ dân sống trong khu vực đình Thanh Hà, trả lại nguyên vẹn không gian di tích. Việc triển khai tu bổ, tôn tạo đình cần khẩn trương, song phải đảm bảo giữ nguyên các giá trị gốc, an toàn, khoa học.

Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch. Các công trình đã xếp hạng được tập trung giải phóng mặt bằng và trùng tu. Quận đã dành nguồn vốn lớn từ ngân sách và kêu gọi xã hội hóa để trùng tu các di tích.

Trong 10 năm qua, quận đã thực hiện tu bổ, tôn tạo nhiều di tích đình như: Kim Ngân, Tú Thị, Phả Trúc Lâm, Nam Hương, Hà Vĩ, Trung Yên… Các đình sau khi tu bổ, tôn tạo được mở cửa phục vụ nhân dân trên địa bàn và du khách tham quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục