Hà Nội: Truy tố 'cặp đôi' lừa đảo xuất khẩu lao động tại Nhật Bản

Nhiều người tố cáo Tạ Thị Thu Bình, Trần Thanh Thứ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nhận tiền và hứa hẹn làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, sau đó chiếm đoạt tiền của họ.
Ảnh minh họa.

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can Trần Thanh Thứ (sinh năm 1975), Tạ Thị Thu Bình (sinh năm 1973) cùng ở tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vụ án bắt nguồn từ việc bà Võ Minh T. (sinh năm 1958, trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) và nhiều người khác đã gửi đơn tới Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội tố cáo Tạ Thị Thu Bình, Trần Thanh Thứ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nhận tiền và hứa hẹn làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, sau đó chiếm đoạt tiền của họ.

Qua điều tra, đã xác định, giữa năm 2016, qua mạng xã hội Facebook, Tạ Thị Thu Bình quen biết và có quan hệ tình cảm với Trần Thanh Thứ.

Thứ giới thiệu tên là Thanh - Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu mây tre đan Việt Nhật Thanh (gọi tắt là Công ty Việt Thanh) có trụ sở tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Thứ nói với Bình là Công ty Việt Thanh đang tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Thứ bàn bạc với Bình cùng tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, giới thiệu Thứ là chồng (hoặc là bạn trai) đang làm Giám đốc Công ty Việt Thanh có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Hai bị can đưa ra lời hứa hẹn công việc tại Nhật Bản có thời gian làm việc từ 3-5 năm, mức lương đối với lao động nữ là từ 32-38 triệu đồng/tháng, mức lương đối với lao động nam là 40-50 triệu đồng/tháng; chi phí đưa người đi lao động là từ 45-85 triệu đồng/người tùy theo thời hạn lao động.

Theo lời 2 bị can giới thiệu, công việc làm tại Nhật Bản rất đơn giản, chỉ làm việc đóng hộp, bao bì đựng sản phẩm mây tre đan xuất khẩu. Về thủ tục, người đi xuất khẩu lao động chỉ phải nộp hồ sơ và tiền, không phải học tiếng Nhật Bản, không phải học nghề, không phải làm hộ chiếu, visa. Thứ, Bình cam kết người lao động sẽ được sang Nhật Bản làm việc trong thời gian từ cuối tháng 4/2017 đến tháng 8/2017.

Tin tưởng lời giới thiệu, một số người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đã nộp tiền, hồ sơ cho Bình, Thứ. Sau khi nhận tiền, Thứ, Bình không thực hiện đưa người đi lao động ở nước ngoài như đã hứa hẹn, mà chiếm đoạt tiền của các bị hại.

[Lừa đảo xuất khẩu lao động, Giám đốc Công ty Tico lĩnh 14 năm tù]

Với thủ đoạn này, trong vòng 1 năm (từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2017), Thứ, Bình đã nhận và chiếm đoạt 550 triệu đồng của 8 người bị hại.

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội nhận định, trong vụ án này, bị can Trần Thanh Thứ đóng vai trò là người trực tiếp khởi xướng và chỉ đạo Bình đưa ra những thông tin gian dối để các bị hại tin tưởng giao tiền cho Bình, Thứ.

Bị can Lê Thị Thu Bình là đồng phạm, giới thiệu sai về nhân thân và khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản của bị can Thứ để các bị hại tin tưởng giao tiền, sau đó chiếm đoạt, không thực hiện như cam kết.

Đến nay cả 2 bị can Thứ và Bình đều chưa khắc phục hậu quả, chưa trả lại tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục