Hà Nội triển khai nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí

Nhằm cải thiện chỉ số chất lượng không khí, Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải không đúng nơi quy định.
Hà Nội triển khai nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí ảnh 1Chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức xấu. (Ảnh: TTXVN)

Trước tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên tiếp thời gian gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô.

Thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tăng cường rà soát, kiểm soát các cơ sở sản xuất bếp, than tổ ong và nhiên liệu than cấp thấp, có hình thức vận động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất này chuyển đổi loại hình kinh doanh sản xuất.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, từ ngày 1-5/1/2021, khi không khí lạnh suy giảm, tốc độ gió thấp trên cả khu vực gây ra điều kiện lặng gió, nền nhiệt xuống thấp, về đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm mạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm, sáng sớm và chiều muộn hình thành lớp sương mù dày đặc cản trở việc khuếch tán, gây ô nhiễm cục bộ.

Ngoài ra, yếu tố về địa hình khu vực vùng Thủ đô chủ yếu là đồng bằng, thấp từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng; bao bọc Hà Nội tại các khu vực giáp ranh là các khu vực đồi núi và các khu, cụm công nghiệp các tỉnh đang phát triển mạnh; do đó, với điều kiện sương mù sát mặt đất gây ra hiện tượng quẩn gió, các chất ô nhiễm không phát tán được khiến tích tụ ô nhiễm trong những ngày qua tại khu vực Thủ đô Hà Nội nói riêng và một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung.

[Hà Nội: Cảnh báo những ngày không khí ô nhiễm nặng trong mùa Đông]

Đáng chú ý, một số tác động cục bộ do hoạt động giao thông tăng cao sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, tình trạng rác thải ùn ứ, không được vận chuyển đến bãi xử lý do thay đổi đơn vị thu gom vệ sinh môi trường tại một số quận huyện vào cuối năm 2020 làm gia tăng tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát gây ô nhiễm môi trường.

Việc đốt rơm rạ, các hoạt động xây dựng, lát đá vỉa hè và các hoạt động sản xuất cuối năm tăng cường để cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán... là những nguyên nhân phát thải ô nhiễm nội tại trên địa bàn.

Dự báo từ nay đến tháng 3/2021 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường, liên tục cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí tới các cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

Các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc các quận huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ từ ngày 6/1/2021, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than và than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường, đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Công an thành phố cần tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel, không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường; chủ động xây dựng các vị trí lưu giữ, trạm trung chuyển để có thể lưu giữ rác thải từ 5-7 ngày, đảm bảo an ninh rác, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trong trường hợp các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố không thể tiếp nhận rác.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã cần phát động phong trào tới từng phường xã, tổ dân phố, các hội phụ nữ, người cao tuổi, Đoàn thanh niên tổ chức các chương trình ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường vào các ngày nghỉ cuối tuần; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế đốt vàng mã, không sử dụng bếp than tổ ong, cam kết không đốt rác thải sinh hoạt, không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau mùa vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục