Được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Hà Nội có sự đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội chung của Thủ đô.
Tuy vậy, nhìn vào thực tế, mức chi tiêu của khách du lịch đến Hà Nội còn thấp hơn nhiều thành phố trong khu vực và trên thế giới. Mức độ đóng góp của du lịch sẽ lớn hơn nếu tình trạng này được cải thiện. Ngành du lịch Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp để từng bước thúc đẩy mức chi tiêu của du khách.
Mức chi tiêu của khách còn thấp
Trong những ngày qua, tại các cuộc họp, lãnh đạo thành phố Hà Nội và ngành du lịch Thủ đô đã bàn thảo việc kích cầu du lịch, thu hút du khách đến Thủ đô.
Thành phố, ngành du lịch đã đưa ra nhiều chương trình, giải pháp nhằm phục hồi, phát triển du lịch sau dịch COVID-19. Ngành du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành, khu điểm du lịch cùng chung tay để thu hút khách du lịch tới Thủ đô.
Thu hút khách du lịch đến Thủ đô nhưng làm thế nào để tăng khả năng chi tiêu của khách là vấn đề những người quản lý du lịch và người làm du lịch tính đến. Bởi thực tế, mức chi tiêu của khách du lịch đến Hà Nội với các thành phố trong khu vực và trên thế giới còn thấp.
Trong đó, chi phí chủ yếu của du khách dành cho thuê phòng, ăn uống, còn mua sắm và đi lại chiếm tỷ lệ thấp. Lấy ví dụ tại Thái Lan, doanh thu từ mua sắm của khách du lịch chiếm gần 50% tổng thu của ngành du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nếu Hà Nội làm tốt dịch vụ mua sắm cho khách du lịch, doanh thu có thể tăng gấp hai lần như Thái Lan. Bởi vậy, thành phố cần có đề án phát triển dịch vụ này, xây dựng những trung tâm mua sắm lớn, phân công cho cơ quan phụ trách cụ thể, ấn định thời gian triển khai.
[Hà Nội nỗ lực xóa bỏ mặc định là nơi du khách 'dừng chân ghé thăm]
Thực tế, bất cứ ai đã tham gia tour du lịch nước ngoài đều có thể thấy, các nước tìm cách kích thích khách du lịch chi tiêu, mua sắm rất chuyên nghiệp. Bất kể một tour du lịch nào cũng kết nối tới 2-3 điểm mua sắm, thậm chí nhiều hơn.
Các cửa hàng áp dụng nhiều chiêu hút khách rất độc đáo, có thể bán sản phẩm với bất cứ giá nào và khách du lịch bị cuốn theo lời quảng cáo của họ. Vì thế đa phần mọi người chi tiêu cho mua sắm nhiều hơn cho giá tour du lịch.
Ngay cả một số trọng điểm du lịch lớn của Việt Nam, nhiều nơi thúc đẩy du khách mua sắm, chi tiêu vui chơi, giải trí tương đối tốt. Đại diện doanh nghiệp lữ hành chuyên đưa đón khách đến Hà Nội và từ Hà Nội đi các nơi, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hà Nội rất băn khoăn vấn đề này.
Ông Phạm Văn Bảy cho biết khách thường nói vui rằng tới Hà Nội du lịch là tiết kiệm nhất vì chỉ có đi chơi, uống càphê. Nếu đến Đà Nẵng, Quảng Ninh, khách có thể tới các khu vui chơi và buộc phải chi tiêu số tiền không nhỏ, nhưng tại Hà Nội chi phí tham quan rất ít.
Đây cũng là vấn đề đặt ra để cơ quan quản lý du lịch Hà Nội cùng các ban, ngành quan tâm. Nếu Hà Nội có nhiều trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch, các khu vui chơi, nhiều sản phẩm du lịch, việc thu hút du khách lưu trú sẽ tốt hơn và khả năng chi tiêu của khách sẽ cao hơn.
Hình thành các trung tâm mua sắm du lịch
Một trong những định hướng phát triển sản phẩm du lịch thành phố theo Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là phát triển du lịch mua sắm. Theo đó, thành phố phát triển các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại, các điểm du lịch làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã công nhận cơ sở đăng ký đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 31 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 8 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao.
Về cơ bản, hệ thống các cơ sở tập trung tại hệ thống các trung tâm thương mại Vincom đã thu hút, phục vụ đông đảo du khách và người dân. Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục thẩm định, công nhận cho các cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nhằm tăng năng lực phục vụ khách một cách chuyên nghiệp và kích thích khả năng chi tiêu của khách.
Tin vui với người dân và khách du lịch khi một tập đoàn kinh tế đã có kế hoạch đầu tư khu Outlet chất lượng cao, hiện đại xứng tầm khu vực, quy mô lớn ở huyện Đông Anh. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành nơi mua sắm du lịch, phù hợp với xu hướng phát triển của các thành phố du lịch trên thế giới.
Bàn về việc phối hợp phát triển du lịch mua sắm, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cùng với việc hiện đại hóa hệ thống mua sắm, ngành Công Thương chỉ đạo các trung tâm thương mại cần có những thương hiệu hàng hóa lớn để hút du khách.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị ngành du lịch bố trí những cung đường du lịch để thu hút du khách đến với các trung tâm thương mại lớn.
Bên cạnh phát triển các trung tâm mua sắm, thành phố Hà Nội cũng đang đầu tư, sớm hình thành một số cụm du lịch trọng điểm Sơn Tây-Ba Vì, Hương Sơn-Quan Sơn, núi Sóc-hồ Đồng Quan, Vân Trì-Cổ Loa; triển khai một số sản phẩm du lịch Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy, tổ hợp vui chơi giải trí đa năng-trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn, tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ tại quận Tây Hồ nhằm thu hút khách du lịch tham quan, lưu trú. Khi hoàn thành, du lịch Hà Nội sẽ có thêm những lợi thế mới để thu hút, giữ chân khách du lịch./.