Hà Nội trang trọng kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Hà Nội trang trọng kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2016 đã trang trọng diễn ra tại đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội).
Hà Nội trang trọng kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ảnh 1Lễ hội tại đền thờ Hai Bà Trưng thu hút du khách. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 13/2, lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2016 đã trang trọng diễn ra tại đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự và dâng hương.

Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm tri ân công lao Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40-43 sau công nguyên) chống quân Hán đô hộ được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó, Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được tướng sỹ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh.

Sau khi Hai Bà mất, để tưởng nhớ, biết ơn công đức Hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân Mê Linh đã lập Đền thờ Hai Bà Trưng.

Hằng năm, vào ngày mồng 6 tháng Giêng - ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa, huyện Mê Linh long trọng tổ chức tế lễ tưởng nhớ Hai Bà.

Tại lễ kỷ niệm, ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh khẳng định phát huy tinh thần quật khởi của Hai Bà Trưng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt.

Lễ kỷ niệm diễn ra với các màn trống hội, chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng do Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra đến hết ngày 17/2 (tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch) với nhiều nghi lễ và hoạt động phong phú.

Đặc biệt, lễ hội đền Hai Bà Trưng có nghi lễ rước kiệu độc đáo, lễ tế cộng đồng theo nghi lễ cổ truyền của các địa phương có đền thờ Hai Bà Trưng. Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục