Hà Nội trả lời chính thức về thông tin thu hẹp Cung Thiếu nhi

Trước thông tin "chuyển đổi mục đích sử dụng khu nhà Pháp cổ thuộc quản lý của Cung Thiếu nhi Hà Nội," Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội thông tin chính thức về việc này.

Chiều 21/8, trao đổi với phóng viên TTXVN, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết Thành Đoàn Hà Nội vừa có công văn số 882 CV/TĐTN-BTG thông tin chính thức về việc quản lý tài sản công tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Theo công văn này, Cung Thiếu nhi Hà Nội là đơn vị sự nghiệp cấp 2 trực thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội.

Trong những ngày qua, một số cơ quan báo chí, thông tin chủ trương thành phố Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng khu nhà Pháp cổ thuộc quản lý của Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Để rộng đường dư luận, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội thông tin chính thức về việc này.

Văn bản của Thành Đoàn Hà Nội nhấn mạnh thành phố Hà Nội luôn quan tâm dành những điều tốt đẹp nhất cho thanh thiếu nhi Thủ đô.

Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo giao cho Ban Thường vụ Thành Đoàn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hoàn thiện hồ sơ báo cáo thành phố thực hiện quy trình gắn biển di tích cách mạng để giáo dục truyền thống và trân trọng những giá trị lịch sử nên không có việc thu hẹp diện tích của Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Thành phố Hà Nội giao cho Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội chỉ đạo Cung Thiếu nhi Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động để thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia học tập, vui chơi, giải trí tại Cung Thiếu nhi. Đồng thời, thành phố sẽ quan tâm đẩy nhanh tiến độ để đầu tư Cung Thiếu nhi mới xứng tầm Thủ đô.

[Thiếu nhi quốc tế cùng vẽ tranh “Em yêu Hà Nội - Thành phố hòa bình”]

Tòa nhà kiến trúc Pháp của Cung Thiếu nhi với hệ thống các phòng truyền thống, phòng học, phòng tập, phòng làm việc của Ban Giám hiệu... sẽ được gắn biển di tích lịch sử, tiếp tục sử dụng cho thanh thiếu nhi Thủ đô.

Thời Pháp thuộc, khu vực Cung Thiếu nhi hiện nay mang tên “ấu trĩ viên” (vườn trẻ). Tòa nhà kiến trúc Pháp này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Từ ngày tiếp quản Thủ đô (năm 1954) đến nay, tòa nhà vẫn được sử dụng để phục vụ thiếu niên, nhi đồng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục