Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư vừa qua ước tính đạt 66.600 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, các nhóm hàng có doanh thu bán lẻ tăng so với cùng kỳ năm trước như đá quý, kim loại quý tăng 40,1%; lương thực, thực phẩm tăng 11,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con) tăng 11%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,5%; nhiên liệu khác tăng 7,1%; hàng hóa khác tăng 17,4%...
Trong tháng Tư năm nay, thành phố Hà Nội thực hiện tốt bình ổn thị trường, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội đạt 266.200 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, vận chuyển hành khách 4 tháng đầu năm nay tăng cao. Số lượt hành khách vận chuyển đạt 135,2 triệu lượt người, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 4 tỷ lượt người tăng 21,8%; doanh thu đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với vận tải hàng hóa, khối lượng hàng hóa vận chuyển 4 tháng đầu năm đạt 526,4 triệu tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 51,4 tỷ tấn.km, tăng 15,8%; doanh thu đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải 4 tháng đầu năm đạt 29.100 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, du lịch giữ vai trò là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và quan trọng hàng đầu của Thủ đô. Khách du lịch đến Hà Nội 4 tháng đầu năm nay đạt 2.147.000 lượt người, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, khách quốc tế đạt gần 1.576.000 lượt người, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa đạt 571.000 lượt người, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội đang chỉ đạo Sở Du lịch, Văn hóa, các địa phương nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách lưu trú, đặc biệt là đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan cảnh quan, di tích lịch sử, các làng nghề và ẩm thực.
Thành phố khuyến khích các làng nghề sản xuất sản phẩm làm quà lưu niệm; các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm OCOP đạt chất lượng sạch. Thành phố đầu tư cơ sở vật chất, công nhận nhiều điểm trở thành khu, điểm du lịch.
Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với 71.200 phòng; trong đó, 607 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao với 26.600 phòng, chiếm 37% tổng số phòng và 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch.
Từ đầu năm đến nay, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 62,5%, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 39 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm./.
Quý 1 năm 2024: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2%
Quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%.