Ngày 7/2, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ gắn biển tên đường, phố mang tên danh nhân Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp.
Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và đón chào Tết Ất Mùi 2015.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; lãnh đạo các Bộ cùng đại diện gia đình các danh nhân và đông đảo nhân dân các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, huyện Đông Anh, Mê Linh, đã tham dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại quá trình hoạt động vẻ vang cống hiến công lao to lớn cho Đảng và Nhà nước của các danh nhân.
Ông Võ Chí Công nguyên là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và khóa VIII, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VII, đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, nhiều Huân-Huy chương khác và huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Ông Võ Văn Kiệt từng là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, đã được trao tặng Huân chương Sao Vàng. Ông được đánh giá là người đã đẩy mạnh công cuộc đổi mới và cải cách chính sách ở Việt Nam kể từ năm 1986, là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới như: Thủy điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận-Đa Mi, Sông Hinh, điện-đạm Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây 500KV Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội Bài, đại lộ Thăng Long; các chương trình lớn như phát triển kinh tế-xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, chương trình thoát lũ ra biển Tây, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một trong những người góp công thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được đánh giá là “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh,” là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Việt Nam, một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới.
Đường Võ Chí Công và Võ Nguyên Giáp nối liền hai đầu cầu Nhật Tân, đường Võ Văn Kiệt nối liền cầu Thăng Long – Nội Bài. Việc hoàn thành xây dựng đưa các con đường này vào sử dụng không những góp phần to lớn lưu thông lượng xe cộ rất lớn từ nội thành Hà Nội ra sân bay Nội Bài, mà đây còn là những trục đường chính phát triển kinh tế cho vùng phía Bắc Thủ đô.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động nhấn mạnh, việc đặt tên các đường phố lớn mang tên các danh nhân trên địa bàn Thủ đô là nhằm ghi nhớ những đóng góp to lớn, đồng thời tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với những danh nhân có công lớn đối với đất nước và dân tộc.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quận Tây Hồ và Cầu Giấy, huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về ý nghĩa của việc đặt tên đường, phố mới trên địa bàn; đồng thời phát động phong trào giữ gìn vệ sinh xanh sạch đẹp, văn minh trên các tuyến đường./.