Tại cuộc họp đánh giá công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tổ chức ngày 8/9, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2016, đã có 4.100 cơ sở trên địa bàn thành phố vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm bị xử phạt với số tiền 22,6 tỷ đồng, chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Công tác an toàn thực phẩm 8 tháng đầu năm nay được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, triển khai bài bản và đúng quy định.
Liên ngành đã tăng cường phối hợp trong quản lý về an toàn thực phẩm, duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đến kết nối tiêu thụ sản phẩm...
Công tác truyền thông về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường đã nâng cao nhận thức của người dân trên lĩnh vực này.
Quận Nam Từ Liêm là một trong 5 đơn vị được chọn thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp cơ sở, đã tiến hành thanh kiểm tra hơn 2.000 lượt cơ sở, trong đó có 395 cơ sở vi phạm, phạt tiền 147 cơ sở với hơn 750 triệu đồng, 63 cơ sở bị đình chỉ và tiêu huỷ sản phẩm.
Các ngành chức năng tăng cường quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh, kiểm soát chặt chẽ đối với các chợ cóc, chợ tạm, siêu thị, trung tâm thương mại... đồng thời tăng cường vai trò của 5 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt thành phố đã giao chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra giám sát chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường thực hiện công tác an toàn thực phẩm; tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, dù Hà Nội chưa có người tử vong do ngộ độc thực phẩm nhưng vẫn có những ca ngộ độc thực phẩm và người dân vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao các đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm theo Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức hoạt động quyết liệt, thường xuyên, liên tục, đưa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng nhân rộng các hộ nông dân sản xuất thực phẩm an toàn; tăng cường thanh tra xử lý vi phạm, nhân rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong các trường học./.