Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình "Siêu thị 0 đồng" cho người lao động

Cùng với việc triển khai các chương trình hỗ trợ cho người lao động, các cấp Công đoàn quan tâm hơn nữa đến quan hệ lao động, thống nhất trong việc hình thành "vùng xanh" tại các doanh nghiệp.
Lãnh đạo tổ chức Công đoàn Thủ đô trao quà hỗ trợ khó khăn cho người lao động Thủ đô khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 9/8, tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị Liên đoàn Lao động các quận, huyện, Công đoàn ngành tích cực vào cuộc triển khai các hoạt động chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua việc triển khai các mô hình "Siêu thị 0 đồng," "Ôtô siêu thị 0 đồng"…

Cùng với việc triển khai các chương trình hỗ trợ cho người lao động, các cấp Công đoàn quan tâm hơn nữa đến quan hệ lao động, thống nhất trong việc hình thành "vùng xanh" tại các doanh nghiệp.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh việc thành lập vùng xanh an toàn không được chạy theo phong trào, phải làm đâu chắc đó, không để xảy ra trường hợp mắc COVID-19 trong vùng xanh an toàn.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cần tiếp tục rà soát lại số lượng "Tổ an toàn COVID-19" trong các doanh nghiệp, hướng dẫn các Tổ chuyển trạng thái từ phòng, chống dịch sang chăm lo cho công nhân lao động trong trường hợp doanh nghiệp có ca mắc bệnh; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong công nhân lao động về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Xác định thời điểm này người lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất gặp nhiều khó khăn, do đó, Công đoàn cơ sở cần sát sao hơn nữa trong công tác chăm lo hỗ trợ, không chỉ người lao động vùng cách ly, phong tỏa mà còn cả với những người lao động đang thuê trọ, không để người lao động thiếu ăn, thiếu mặc.

Theo Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản, đến thời điểm hiện tại, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã hỗ trợ cho gần 1 vạn công nhân lao động thông qua các chương trình như "Ôtô siêu thị 0 đồng," "Siêu thị 0 đồng"…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tổ chức Công đoàn tiếp tục triển khai các hoạt động chăm lo cho người lao động gặp khó vì dịch COVID-19; chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng và triển khai các phương án sản xuất an toàn tại doanh nghiệp.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

[Công nhân lao động Thủ đô nhận hỗ trợ từ Xe buýt siêu thị 0 đồng]

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 290 doanh nghiệp dừng hoạt động, 1.465 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động, 6.610 công nhân mất việc làm, 34.320 người thiếu việc làm.

Trước những tác động của dịch COVID-19 đến đời sống của công nhân lao động, Liên đoàn Lao động thành phố đã triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động, nhất là trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn với số tiền trên 30 tỷ đồng và vận động nguồn lực xã hội hóa được trên 84 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ Quỹ vaccine cho công nhân, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh...

Đặc biệt, sau 10 ngày triển khai thí điểm mô hình "Xe buýt siêu thị 0 đồng," Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức được 21 chuyến xe hỗ trợ cho 14.800 người lao động của 447 doanh nghiệp.

Song song với các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn Hà Nội đã thành lập được 11.425 "Tổ an toàn COVID-19" tại doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn) với 50.306 người tham gia.

Việc thành lập và hoạt động hiệu quả của "Tổ an toàn COVID-19" đã khẳng định sự đồng hành của tổ chức Công đoàn nhằm chủ động phòng, chống dịch, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ sức khỏe cho công nhân lao động.

Đáng chú ý, mô hình "Tổ an toàn COVID-19" đã được đông đảo doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, là mô hình sáng tạo được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo thành phố Hà Nội ghi nhận, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai, áp dụng.

Việc triển khai các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, chung sức cùng thành phố và doanh nghiệp phòng, chống dịch, tạo tiền đề thuận lợi để thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục