Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố về tiếp tục thực hiện giãn cách sau thời gian ngày 6/9.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đưa ra tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh do Thành ủy và Ủy ban Nhân thành phố Hà Nội tổ chức chiều 3/9.
'Có hiện tượng chặt ngoài, lỏng trong'
Ông Phong cho rằng trong đợt giãn cách thứ 3 vừa qua, thành phố bước đầu đã đạt được hiệu quả kiềm chế lây lan dịch bệnh tuy nhiên nguy cơ còn rất cao, trong đó một số ổ dịch phát sinh có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Lây nhiễm cũng đã xuất hiện trong chuỗi cung ứng, lái xe đường dài phía Nam ra Hà Nội, đội ngũ giao hàng, chợ dân sinh…
“Mặc dù rất quyết tâm, quyết liệt nhưng vẫn còn hiện tượng ở một số địa bàn công tác chống dịch vẫn còn lơi lỏng, 'chặt ngoài, lỏng trong,' vẫn còn hiện tượng lây trong khu cách ly… Bên cạnh đó, lượng người ra đường trong thời gian giãn cách vẫn còn đông, không đáp ứng được mục tiêu của việc giãn cách,” Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
[Chi tiết các nhóm đối tượng sẽ được cấp giấy đi đường từ 6/9]
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố về tiếp tục thực hiện giãn cách sau thời gian ngày 6/9. Trong đó, phân theo 3 vùng, vùng 1 có nguy cơ rất cao tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16, còn lại 2 vùng sẽ áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
“Các phương án cụ thể sẽ được Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua sớm nhất để công bố rộng rãi cho nhân dân biết,” ông Nguyễn Văn Phong nói.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, do đây là việc chưa từng có tiền lệ nên thành phố xác định quyết tâm rất cao, siết chặt hơn nữa việc giãn cách trong khu vực nội thành, hạn chế đến mức tối đa lượng người ra đường. Thành phố đã giao Công an Thành phố chủ trì việc cấp giấy đi đường, trên cơ sở tham khảo các tỉnh, thành khác và căn cứ vào thực tiễn của Thủ đô.
Theo ông, Hà Nội sẽ tập trung giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn; tăng cường đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, nhất là đối với khu vực có nguy cơ cao, có giải pháp phù hợp từng địa bàn, đối tượng; kiên quyết xử lý đơn vị chủ quan, lơi lỏng.
Đã tiêm vaccine cho 32% dân số
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc tiêm vaccine đảm bảo an toàn, đúng đối tượng, cấp đến đâu tiêm ngay đến đó. Hiện tại, năng lực tiêm của Hà Nội vẫn còn dư với khả năng tiêm 200 nghìn mũi/ngày, nhưng cao điểm hiện nay mới đến 150.000 mũi/ngày.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế thông tin Hà Nội có 6 chùm ca bệnh phức tạp là các chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) có 412 ca mắc; phường Văn Miếu có 113 ca mắc, Văn Chương (Đống Đa) có 89 ca mắc; phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có 46 ca mắc; xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) có 17 ca mắc; chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) có 16 ca mắc. Trong đó, Thanh Xuân Trung có số ca mắc cao nhất nhưng về cơ bản đã được kiểm soát.
[Hà Nội chia vùng Đỏ, vùng Vàng, vùng Xanh sau ngày 6/9 như thế nào]
Hà Nội đã thành lập 3 tổ công tác chuyên trách do các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố làm chỉ huy phụ trách từng lĩnh vực công tác như: Xét nghiệm, cách ly, tiêm vaccine, thu dung điều trị, hậu cần, cơ sở vật chất phục vụ các khu cách ly tập trung…
Thành phố đã kích hoạt 2.000 giường bệnh cho 8 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, trong đó có 500 giường bệnh cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, 1.500 giường điều trị cho các bệnh nhân trung bình.
Sở Y tế cũng đã nâng qui mô điều trị, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng lên 20.000 giường. Tính đến nay, đã tiếp nhận và điều trị 3.428 bệnh nhân. Hiện, còn hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị và 53 bệnh nhân nặng. Sở Y tế cũng đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng bài tập thể dục để hướng dẫn cho các bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để nâng cao sức khỏe.
Hà Nội đã triển khai ký hợp đồng với các bệnh viện công lập, ngoài công lập thuộc Trung ương và thành phố tham gia công tác xét nghiệm, nâng công suất xét nghiệm lên 200 nghìn mẫu/ngày. Theo đó, thành phố đã tổ chức xét nghiệm tất cả khu vực phong tỏa 2-3ngày/lần, khu vực nguy cơ cao 5-7 ngày/lần theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tổ chức xét nghiệm ở những khu vực tiếp giáp với khu vực nguy cơ cao, tiếp giáp khu vực phong tỏa, khu vực đông dân cư, khu tập thể cũ, chật hẹp…; thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ như: Shipper, lái xe công nghệ, người tiếp xúc với nhiều người, người bán hàng ở chợ, siêu thị…
Về tiêm vaccine, bà Hà cho hay hiện Hà Nội đã tiêm chủng được khoảng 32% dân số. Thời gian tới, thành phố phấn đấu cam kết tiêm chủng đạt 150.000 mũi/ngày. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Bộ Y tế phân bổ vaccine để đạt độ bao phủ tiêm chủng.
Không coi "Vùng xanh" là đã an toàn
Nhận định Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, việc triển khai thực hiện giãn cách thời gian qua là cơ hội để ngành y tế xét nghiệm sàng lọc diện rộng, bóc tách các ca F0, thực hiện tiêm chủng.
Vừa qua, một số ca cộng đồng được ghi nhận ở địa bàn phức tạp như Thanh Xuân Trung, Văn Chương, Văn Miếu, nơi có nhiều khu tập thể cũ, sử dụng nhà vệ sinh chung, nhiều ngõ ngách, liên thông đan xen… Do đó, việc xét nghiệm diện rộng để khoanh vùng, truy vết, phát hiện sớm ca bệnh là rất quan trọng.
Theo Giám đốc Sở Y tế, nguy cơ dịch bệnh của Hà Nội còn cao và khó lường, thể hiện ở việc lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, Hà Nội tiếp tục tổ chức xét nghiệm diện rộng theo dịch tễ, theo nhóm nguy cơ và nguy cơ cao.
Thậm chí, “Vùng xanh” có thể có các điểm nguy cơ, do đó vẫn cần tổ xét nghiệm. Song song với đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức xét nghiệm ở các “điểm nóng” Bệnh viện, Khu công nghiệp, siêu thị - nơi dễ phát hiện các ca trong cộng đồng; tổ chức tiêm vaccine nhanh, kịp thời để Hà Nội sớm khống chế được dịch bệnh trong thời gian tới./.
Tình hình dịch bệnh đến tối 3/9: Hà Nội: Số ca nhiễm: 3.967 Toàn quốc: - Số ca nhiễm: 486.727 ca |