Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn khi nhịp sống trở lại bình thường, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội vào chiều 4/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các ban, ngành tiếp thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, đặc biệt là trong các trường học, bệnh viện khi hoạt động trở lại bình thường.
Trường học thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu ngành giáo dục phải tiếp tục tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh cho giáo viên, học sinh, cố gắng giữ khoảng cách an toàn tốt nhất có thể trong lớp học.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, các trường học cần nghiên cứu mở rộng đưa chương trình công nghệ thông tin, công nghệ in 3D và công nghệ thực tế ảo vào áp dụng phục vụ công tác giảng dạy. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm nghiên cứu và sớm có đề xuất để đưa công nghệ thông tin vào trường học trong năm học mới và có thể mở rộng đưa xuống tận cấp tiểu học.
Đánh giá về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Việt Nam có nhiều du học sinh tại các nước châu Âu, Mỹ và Australia.
Tình hình dịch COVID-19 đã khiến ngành giáo dục nhiều nước tạm đóng cửa trường học, cho học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều nước sẽ không nhận du học sinh. Do đó, tới đây, cơ bản các học sinh sẽ thi vào các trường đại học trong nước, ít có khả năng đi du học. Ngành giáo dục cần xác định được xu hướng này và có phương án thích ứng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết ngày 4/5, thành phố có 224 trong tổng số 226 trường trung học phổ thông đã hoạt động trở lại bình thường. Trường Trung học phổ thông FPT dự kiến đến ngày 11/5 mới cho học sinh quay trở lại trường do cơ sở này đã được trưng dụng làm địa điểm cách ly tập trung. Còn Trường Trung học phổ thông Tiền Phong có cổng nằm trong khu vực của cơ sở cách ly nên nhà trường kiến nghị cho học sinh học trở lại từ ngày 7/5.
Toàn thành phố Hà Nội có 628 trường trung học cơ sở, các trường đã hoạt động bình thường, riêng Trường Trung học cơ sở Mê Linh nằm trên địa bàn thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) chưa mở lại. Ngoài ra, 66 học sinh thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) đang ở trong khu vực cách ly nên chưa quay trở lại trường học. Các học sinh chưa được đến trường sẽ tiếp tục học trực tuyến.
0 giờ ngày 6/5 sẽ dỡ bỏ phong tỏa thôn Hạ Lôi
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện ra quyết định kết thúc cách ly khi hết thời hạn theo quy định, nới lỏng giãn cách xã hội đối với ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) và ổ dịch ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín).
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, thôn Hạ Lôi (có 13 ca mắc) đã được khoanh vùng, cách ly từ ngày 8/4/2020, đến nay đã qua 26 ngày cách ly y tế.
Nếu trong ngày 5/5 tại thôn Hạ Lôi không có ca nhiễm mới được ghi nhận thì vào lúc 0 giờ ngày 6/5 Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh sẽ công bố kết thúc thời hạn cách ly đối với Hạ Lôi.
“Việc dỡ bỏ lệnh cách ly sẽ được thực hiện đúng quy định phòng dịch, có đại diện các sở, ban ngành, đại diện của nhân dân nhưng không quá 20 người. Huyện cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền và yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không phải chủ quan,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh khẳng định.
Về ổ dịch tại huyện Thường Tín, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kiều Xuân Huy cho biết, ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) vẫn đang được cách ly theo đúng quy định. Tất cả các trường hợp nghi ngờ đều được xét nghiệm và cách ly, hiện tại đều cho kết quả âm tính. Huyện cũng đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để các trường đón học sinh đi học trở lại. Ngày 8/5, thôn Đông Cứu cũng hết thời gian cách ly.
Ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện và khu vực công cộng
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh ếu các bệnh viện trên địa bàn thành phố duy trì quy định mỗi người bệnh chỉ được một người thân chăm nuôi thì sẽ giảm được một số lượng lớn đi lại trên đường. Đây là con số đáng kể trong vấn đề giao thông thành phố, chưa kể, nếu số người này đi taxi, grab thì số lượng người trên đường còn tăng hơn nữa. Chính vì vậy, phải thực hiện nghiêm việc này để vừa ngăn ngừa lây lan dịch bệnh vừa giảm áp lực cho giao thông.
Sắp tới, khi các bệnh viện hoạt động bình thường trở lại thì số người ra vào bệnh viện sẽ tăng lên. Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các bệnh viện ứng dụng tin học để cho người dân có thể hẹn giờ khám bệnh, tránh tập trung đông người tại các khu vực tiếp đón, khám bệnh.
Đối với việc rà soát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu, các ca này phải được lấy mẫu xét nghiệm nhanh, nếu có kết quả dương tính mới đưa vào các bệnh viện.
Liên quan đến chi trả hỗ trợ cho người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố biểu dương kho bạc, các quận, huyện, phường-xã… đã cơ bản chi trả hơn 500 tỷ đồng đến tay người dân, kịp thời, đúng đối tượng./.