Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển phương tiện xe buýt kết nối

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất Hà Nội-Hà Tây, tính đến tháng 5, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đã phát triển khoảng hơn 110 tuyến.
Xe buýt sử dụng khí CNG tuyến Bến xe Mỹ Đình - Sơn Tây có giá vé 9.000 đồng/người/lượt. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, cả Hà Nội và Hà Tây chỉ có 68 tuyến buýt với trên 1.000 xe vận hành.

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất Hà Nội-Hà Tây, tính đến tháng 5, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đã phát triển khoảng hơn 110 tuyến, bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã tương ứng với 411/584 xã, phường, đạt 70,4% độ bao phủ trên địa bàn thành phố, kết nối cơ bản tới các khu đô thị, các cụm dân cư, bệnh viện, trường học và các cụm, khu công nghiệp.

Để đạt mục tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng được 20-25% vào năm 2025, thời gian tới Hà Nội tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp; trong đó, phát triển mạng lưới, tăng cường kết nối là giải pháp quan trọng nhằm thu hút người dân đi xe buýt.

Hiệu quả của buýt kết nối

Việc mở mới các tuyến buýt và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng xe buýt trong giai đoạn vừa qua đã góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố.

Từ đó, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội.

Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã quan tâm mở các tuyến buýt kết nối đến các bến xe và kết nối vùng ngoại thành, khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chùa Hương… với trung tâm Hà Nội.

Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng đang lên kế hoạch kết nối xe buýt với các ga đường sắt Cát Linh-Hà Đông để nâng hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị này.

Việc đưa vào hoạt động 3 tuyến xe buýt 106: Khu đô thị Mỗ Lao-Viện 103-Aeon Mall Long Biên và 107: Kim mã-Khu công nghệ cao Hòa Lạc-Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam; tuyến buýt 103: Mỹ Đình-Chùa Hương- Hương Sơn được kỳ vọng góp phần mang lại diện mạo giao thông công cộng thân thiện, chất lượng hơn phục vụ người dân.

Sau một thời gian đưa vào hoạt động, các tuyến buýt này đã phát huy hiệu quả, được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao; trong đó, tuyến buýt 107 có giá 9.000 đồng/lượt đi qua Đại học FPT đã giúp sinh viên Đại học FPT tham gia giao thông thuận lợi hơn.

Tuyến buýt này sử dụng xe chất lượng cao được thiết kế, sản xuất tại châu Âu, được trang bị đầy đủ các tiện ích phục vụ hành khách như đèn led, wifi, GPRS kết nối âm thanh tự động…

Giao thông thuận lợi đã tác động đến phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, từ khi tuyến buýt 103 kết nối từ bến xe Mỹ Đình-Chùa Hương-Hương Sơn đã thu hút thêm lượng khách du lịch đáng kể đến Chùa Hương, nhất là vào mùa lễ hội.

Ngoài các tuyến buýt trên, từ năm 2014 đến nay, Hà Nội cũng đã điều chỉnh mở thêm hàng chục tuyến buýt nhằm phục vụ nhân dân các khu vực Xuân Giang (Sóc Sơn), thị xã Sơn Tây, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên), xã Hồng Vân (Thường Tín), khu vực đê Hồng Hà phục vụ nhân dân các xã thuộc huyện Đan Phượng, Phúc Thọ; các xã Phúc Tú, Tân Dân (huyện Phú Xuyên), xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn), xã Thạch Đà, KCN Quang Minh (huyện Mê Linh)…

Thời gian tới, thành phố tiếp tục cải thiện và mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến theo hướng hợp lý hóa lộ trình; đặc biệt kết nối với đường sắt đô thị, tuyến buýt BRT. Đồng thời, vươn tới các khu vực ngoại thành, khu đô thị, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu chung cư…

[Hà Nội sẽ vận hành thêm ba tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch]

Khắc phục những bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, mạng lưới xe buýt ở Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhu cầu sử dụng xe buýt trong dân vẫn còn nhiều nhưng do việc tiếp cận khó khăn như phải đi xa mới đến điểm chờ xe buýt, chưa có buýt kết nối đến các khu vực dân cư… do đó xe buýt chưa thực sự hấp dẫn.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm trong vài năm trở lại đây.

Ông Lê Anh Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm đề xuất, cần xem xét kéo dài các tuyến buýt vào sâu trong các khu dân cư đang đô thị hóa, các khu đô thị mới để thu hút thêm người dân đi xe buýt.

Ví dụ như ở quận Long Biên và huyện Gia Lâm đã hình thành nhiều khu đô thị như Đặng Xá, Sài Đồng, Việt Hưng... song chưa khép sâu các tuyến buýt vào bên trong, do đó cần điều tiết luồng tuyến, kéo dài lộ trình buýt vào các khu vực này để phục vụ.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thừa nhận, mạng lưới xe buýt hiện nay ở Hà Nội đang bộc lộ một số tồn tại, bất cập và bất hợp lý như kết cấu mạng lưới chưa mạch lạc, chưa phân cấp hợp lý; một số đoạn tuyến tỷ lệ trùng tuyến còn khá cao.

Trong mạng lưới vẫn còn thiếu các loại hình tuyến buýt gom, chuyển trong nội bộ mạng, còn tồn tại loại hình một tuyến chính có nhiều tuyến nhánh. Mật độ của mạng lưới phân bố không đều, mức độ bao phủ tại các khu phố cũ, phố cổ ở nội thành, các khu đô thị mới, các xã huyện xa trung tâm còn hạn chế. Mạng lưới xe buýt tập trung ở khu vực nội đô nhưng chủ yếu ở các trục phố chính và khu vực phía đông thành phố. Mạng lưới còn khá mỏng ở khu vực ngoại thành phía Tây thành phố.

Mạng lưới tuyến cũng còn thiếu ổn định, một số tuyến còn chưa hợp lý về lộ trình, độ dài, chưa hấp dẫn người đi xe. Biểu đồ vận hành vẫn đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ do ùn tắc giao thông trên tuyến dẫn đến hiện tượng khách phải chờ lâu hoặc lúc quá vắng khách, lúc quá tải vào giờ cao điểm.

Để khắc phục vấn đề luồng, tuyến, trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang yêu cầu rà soát lại để hợp lý hóa luồng tuyến; xây dựng các điểm trung chuyển kết nối mạng lưới tuyến xe buýt; triển khai các loại hình giao thông tiếp cận (xe đạp công cộng…), các điểm trông giữ phương tiện cá nhân cho xe buýt.

Đồng thời hợp lý hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ, điểm kết nối giữa các tuyến xe buýt, ưu tiên tuyệt đối trong tổ chức giao thông cho xe buýt, đồng thời xây dựng quy trình về quản lý hạ tầng thống nhất, đề xuất đưa hạ tầng xe buýt vào quy hoạch chung về giao thông…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục