Hà Nội thúc đẩy việc xây hai tuyến đường sắt đô thị

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đang khẩn trương xúc tiến xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội và Hồ Tây-Ba Vì.
 
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đã ký hợp đồng gói thầu số 5, xây dựng các công trình kiến trúc của depot thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn-Ga Hà Nội với giá trị trúng thầu gần 614 tỷ đồng.

Nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội sẽ thi công nhiều hạng mục công trình nằm trong diện tích 16 ha tại huyện Từ Liêm như: tòa nhà hành chính rộng 5.500m2; khu vực rửa tàu; bãi tập kết toa xe rộng gần 1,2ha có thể chứa 23 đoàn tàu 4 toa và 22 đoàn tàu 5 toa vào năm 2040. Ngoài ra, trong khu depot còn có các xưởng chứa tàu công vụ, xưởng tiện bánh xe, xưởng bảo dưỡng và đại tu, kho chứa vật liệu, kho chứa sản phẩm…

Dự kiến, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội sẽ hoàn thành các hạng mục trên bảo đảm chất lượng, kỹ thuật sau 61 tháng thi công.

Đơn vị tư vấn thuộc cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có buổi báo cáo với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả nghiên cứu cuối kỳ tuyến đường sắt đô thị số 5, từ Hồ Tây lên Ba Vì. Dự kiến, giai đoạn một của dự án được khởi công năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2021 còn giai đoạn hai sẽ được khởi công năm 2028 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2030.

Theo kết quả nghiên cứu, tuyến đường sắt số 5 có tổng chiều dài 38,4 km được chia thành hai giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn một từ Hồ Tây đến An Khánh dài 14,1 km, gồm 10 nhà ga còn giai đoạn 2 từ An Khánh đi Hòa Lạc-Ba Vì có chiều dài 24,3km gồm 7 nhà ga.

Kết thúc giai đoạn một, tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ có 11 đoàn tầu với tổng số 44 toa đi vào hoạt động, chuyên chở khoảng 158.000 lượt người vào năm 2021, tăng lên 227.000 lượt người vào năm 2030. Thời gian đi từ Hồ Tây đến An Khánh khoảng 18 phút 30 giây, đến Hòa Lạc khoảng 33 phút 22 giây và đến Ba Vì khoảng 41 phút. Khoảng cách tàu chạy trong giờ cao điểm là 6 phút/chuyến, tại các giờ khác trong ngày là 12 phút/chuyến.

Sau khi hoàn thành toàn tuyến sẽ đảm bảo vận chuyển 221.000 lượt người vào năm 2021, nâng lên 400.000 lượt người vào năm 2030. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất hai phương án đi ngầm hoặc trên cao cho đoạn tuyến từ Hồ Tây đến đường vành đai 3. Tổng nguồn vốn đầu tư dự án từ 6,1-7,5 tỷ USD cho các phương án./.

Tuyết Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục