Hà Nội thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Hà Nội giao Sở Công Thương phối hợp với các cơ quanliên quan thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế.

Doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBNDvề việc triển khai Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030.”

Theo đề án này, Hà Nội dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường: Cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế; Phổ biến chính sách của các nhà phân phối; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài: Nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn chất lượng của mạng phân phối nước ngoài; Năng lực quản trị của doanh nghiệp, tăng khả năng quản lý/kiểm soát rủi ro, tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới: Chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới đặc biệt với những ngành hàng nông sản, thực phẩm, đồ gỗ, nội thất; Tập huấn kỹ năng bán hàng trên môi trường số; Phát triển dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu vào các hãng phân phối trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, đề án sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu: Phối hợp với Bộ Công Thương để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu; Phối hợp với các mạng phân phối nước ngoài hỗ trợ phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp Hà Nội chủ động phát triển hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài…

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế. Cung cấp thông tin, phổ biến chính sách của các nhà phân phối đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

IMG_5547.JPG
Kết nối doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng. (Ảnh; PV/Vietnam+)

Cùng đó, đề án nhấn mạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thành phố năm 2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững; xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Doanh nghiệp của Hà Nội được hỗ trợ đăng ký, xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu; tổ chức Hội chợ Thương hiệu Việt năm 2025.

Đối với Sở Khoa học và Công nghệ đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng của mạng lưới phân phối nước ngoài. Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng về nguồn lực đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tổ chức trưng bày, giới thiệu, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục