Hà Nội thu hồi gần 948ha đất sử dụng không hiệu quả

Năm 2013, Hà Nội đã quyết định thu hồi đất của 12 đơn vị (sử dụng 14 địa điểm đất), với tổng diện tích đất thu hồi gần 948ha.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2013, Sở đã lập hồ sơ thu hồi đất vi phạm, trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định thu hồi đất của 12 đơn vị (sử dụng 14 địa điểm đất), với tổng diện tích đất thu hồi gần 948ha.

Hiện Sở đã có kết luận thanh tra đối với 3 dự án và tiếp tục trình thành phố chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất, diện tích dự kiến thu hồi khoảng 34.000m2. Như vậy, tính từ năm 2009 đến nay, thành phố Hà Nội đã ban hành 53 Quyết định thu hồi đất của 47 tổ chức với tổng diện tích thu hồi 1.777,82ha.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, qua thanh tra việc chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư thực hiện dự án, nhiều tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhà ở bán hoặc cho thuê... nhưng trên thực tế đã không sử dụng đất sau 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, vi phạm Luật đất đai.

Theo kết luận của các Đoàn thanh tra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án “treo” là do một số dự án phải dừng lại để chờ rà soát quy hoạch sau khi mở rộng địa giới Thủ đô, trong đó có dự án không còn phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải điều chỉnh mục đích sử dụng đất, mục tiêu đầu tư theo quy hoạch mới.

Đặc biệt, do thị trường bất động sản “đóng băng,” nhiều tổ chức kinh doanh bất động sản không vay được vốn từ ngân hàng, không huy động được vốn từ đối tác đầu tư, người mua nhà ở nên chưa thực hiện được dự án theo tiến độ. Một số tổ chức sử dụng đất là đối tượng điều chỉnh của chính sách kinh tế về tín dụng nên khó khăn về vốn để thực hiện các dự án...

Để đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư và các sở, ngành, quận huyện quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm.

Thành phố cương quyết đối với các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện thì thu hồi để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, trường học…hoặc cho phép tìm đối tác để chuyển nhượng lại dự án hoặc liên doanh liên kết nhưng phải được thành phố chấp thuận và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Dự án nào không thể thực hiện đúng tiến độ thì phải xin gia hạn.

Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng xong, nay do điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh… thì trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh thành phố cho phép sử dụng tạm vào mục đích khác (có thời hạn). Việc sử dụng tạm này phải cam kết không làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị và phải thực hiện nộp ngân sách các khoản nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Theo kế hoạch, năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát các dự án đã được giao chủ đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện theo tiến độ; chủ động thanh tra, kiểm tra và làm các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với những vi phạm theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục