Hà Nội thông qua Nghị quyết sáp nhập, đặt tên thôn, tổ dân phố

Sau khi Nghị quyết về sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện được thông qua, có 1.407 thôn, tổ dân phố mới được thành lập; sau khi sáp nhập sẽ giảm 2.519 thôn, tổ dân phố.
(Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN)

Ngày 21/2, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp thứ 13.

Đây là kỳ họp không thường kỳ nhằm xem xét, quyết định vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố, đồng thời tổ chức phổ biến Luật số 47/2019/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương... cùng các đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại diện lãnh đạo sở, ngành của thành phố dự kỳ họp. 

Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 với tỷ lệ thống nhất cao, 100% đại biểu có mặt đã đồng thuận biểu quyết.

Sau khi Nghị quyết được thông qua, có 1.407 thôn, tổ dân phố mới được thành lập; sau khi sáp nhập sẽ giảm 2.519 thôn, tổ dân phố. Đợt này, có 2 quận (Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm) và 5 huyện (Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Mỹ Đức, Đông Anh) không đề nghị thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Đại biểu Nguyễn Xuân Lưu (quận Thanh Xuân) đánh giá thành phố đã chỉ đạo thận trọng, chặt chẽ, cụ thể khi triển khai nội dung này. Lãnh đạo thành phố đã kịp thời lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của cơ sở, đặc biệt là việc bổ sung tổ phó tổ dân phố, tạo sự đồng thuận rất lớn của cử tri.

Sau sáp nhập, quận Thanh Xuân giảm 101 tổ dân phố, còn 213 tổ. Đồng quan điểm, đại biểu Dương Đức Tuấn (quận Hoàn Kiếm) khẳng định chủ trương sáp nhập tổ dân phố giúp tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả chính quyền địa phương.

[Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội]

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng Kỳ họp được chuẩn bị bài bản, nghiêm túc, đúng luật. Đặc biệt, với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ và khách quan, kỳ họp thứ 13, Hội đồng Nhân dân thành phố khóa XV đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra.

Kết quả của kỳ họp lần này thể hiện quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố và sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội đồng Nhân dân vừa ban hành, gắn với việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cơ sở; đồng thời với quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất của thành phố thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố đánh giá bước đầu thực hiện Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố tại kỳ họp thứ 12 của Hội đồng Nhân dân thành phố như kịp thời ban hành các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách với cán bộ hoặc số lượng tổ phó tổ dân phố. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết đã được kỳ họp thứ 13, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa thông qua.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp khi triển khai Nghị quyết này cần chú ý đảm bảo quy trình dân chủ, khách quan, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; sắp xếp ổn định tổ chức Đảng, đoàn thể để phục vụ tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, song song với đảm bảo thủ tục hành chính thuận lợi cho người dân khi giao dịch. Ngoài ra quan tâm chính sách và động viên tinh thần các cán bộ có quá trình gắn bó và công tác lâu năm ở thôn, tổ dân phố nay không có điều kiện tham gia do việc sáp nhập thôn, tổ dân phố."

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị các cấp, ngành, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, nhân dân và kịp thời phản ánh khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời giải quyết.

Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, các Ban Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện nghị quyết này tại cơ sở mình.

Cùng với đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội mong muốn, đề nghị người dân tiếp tục tham gia xây dựng chính quyền ở địa phương bằng việc tích cực tham gia triển khai nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố tại cơ sở, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục