Hà Nội: Thông qua Nghị quyết quy định mức chi thù lao cho hòa giải viên

Mức chi thù lao đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia là 300.000 đồng/vụ, việc; trường hợp vụ, việc hòa giải thành công, mức chi thù lao cho hòa giải viên là 400.000 đồng/vụ, việc.

Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Kỳ họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Kỳ họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 2/7, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, đối với mức chi giải thưởng cuộc thi, hội thi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tùy theo quy mô và địa bàn tổ chức cuộc thi, đơn vị tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể nhưng không vượt định mức chi tối đa quy định tại điểm này.

Cụ thể, mức chi cao nhất là giải nhất tập thể tại cuộc thi do thành phố tổ chức với mức 15 triệu đồng/giải; do sở, ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức là 12 triệu đồng/giải; do xã, phường, thị trấn tổ chức là 6 triệu đồng/giải.

Giải nhất cá nhân tại cuộc thi do thành phố tổ chức là 9 triệu đồng/giải; do sở, ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức là 7,2 triệu đồng/giải; do xã, phường, thị trấn tổ chức là 3,6 triệu đồng/giải.

Về chi cho công tác hòa giải ở cơ sở, chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải) là 300.000 đồng/vụ, việc.

Trường hợp vụ, việc hòa giải thành công theo Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở, mức chi thù lao cho hòa giải viên là 400.000 đồng/vụ, việc.

Hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở là 5 tháng lương cơ sở.

Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải) là 150.000 đồng/tổ hòa giải/tháng.

Cùng ngày, tại Kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết “Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực du lịch thành phố Hà Nội” thuộc phạm vi quản lý của địa phương, bao gồm 7 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó, 6 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được đề xuất trên cơ sở Quyết định số 156/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch gồm xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nội ở trong nước và ngoài nước; phát triển thương hiệu du lịch Hà Nội; tổ chức, tham gia các sự kiện du lịch; bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch Hà Nội; tổ chức thông tin hỗ trợ khách du lịch và phát triển du lịch cộng đồng tại Hà Nội; tổ chức khảo sát, thu thập dữ liệu, tài liệu, điều tra tài nguyên du lịch Hà Nội.

ky_hop_thu_muoi_bay_hdnd_thanh_pho_ha_noi_khoa_xvi3.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất với đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố bổ sung 1 dịch vụ là tổ chức điều tra, nghiên cứu thị trường khách quốc tế và nội địa.

Việc điều tra nghiên cứu thị trường khách quốc tế và nội địa sẽ giúp đánh giá, xác định được thị trường khách du lịch trọng điểm và thị trường khách tiềm năng đối với du lịch Hà Nội; từ đó đề ra các giải pháp thu hút khách du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, đồng thời là cơ sở để tính toán mức độ đóng góp của ngành Du lịch vào cơ cấu kinh tế Thủ đô.

Cũng tại Kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU) gồm 8 gói thầu dịch vụ tư vấn, phí tư vấn với tổng giá trị hơn 308 tỷ đồng.

ky_hop_thu_muoi_bay_hdnd_thanh_pho_ha_noi_khoa_xvi2.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trình bày Báo cáo hoạt động của HĐND Thành phố 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội giao Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh (nếu có); phê duyệt dự toán chi phí tư vấn nước ngoài; thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, các thủ tục khác theo quy định pháp luật về đầu tư công và quản lý sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật tuân thủ đúng quy định của pháp luật có liên quan và thỏa thuận của các nhà tài trợ; đăng thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trước khi tổ chức đấu thầu, chủ đầu tư tổ chức cập nhật dự toán các gói thầu (nếu cần thiết) theo quy định bảo đảm nguyên tắc tính đúng, đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, thuế, phí và các chi phí liên quan khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục