Hà Nội thoát khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nhưng vẫn lo

Sáng nay, tên Hà Nội đã không còn xuất hiện trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual quan trắc theo thời gian thực.
Hà Nội thoát khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nhưng vẫn lo ảnh 1Hiện trạng ô nhiễm không khí tại một số khu vực ở thành phố Hà Nội vẫn đáng lo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau những ngày quay cuồng trong bầu không khí ô nhiễm “tím lịm,” ngưỡng ô nhiễm “rất xấu,” thậm chí có thời điểm tới ngưỡng “màu nâu” - cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe với chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới trên 300, sáng nay, 15/12, AQI tại phần lớn các điểm quan trắc trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm xuống.

Đáng chú ý, tên Hà Nội đã không còn xuất hiện trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) quan trắc theo thời gian thực.

Xuống dưới ngưỡng "nâu"

Ghi nhận từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 11 giờ sáng nay cho thấy kết quả chất lượng không khí (chỉ số AQI) đã giảm xuống còn 102, ở ngưỡng “cam” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “kém” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Tới thời điểm 12 giờ, chỉ số AQI đã giảm xuống còn 98. Trong khi, cùng thời điểm này, trong ngày 14/12, chỉ số AQI được trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường ghi nhận được vẫn duy trì ở ngưỡng “đỏ” 177 - đây là ngưỡng ô nhiễm “rất xấu.” Theo đó “những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe.”

Cổng thông tin quan trắc môi trường của thành phố Hà Nội hôm nay cũng đưa ra cảnh báo màu “cam” ở phần lớn các điểm quan trắc. Trong đó, điểm có chỉ số AQI cao nhất cũng đã giảm xuống còn 154, tại Hàng Đậu. Trong khi, ngày hôm qua, 14/12, hệ thống quan trắc của Hà Nội đã ghi nhận có điểm chỉ số AQI lên tới 279.

[Bộ TN-MT cảnh báo ô nhiễm không khí ở thành phố Hà Nội ""rất xấu""]

Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual lúc 11 giờ sáng nay cũng hiện thị ngưỡng “đỏ” ở hầu hết các điểm đo với chỉ số cao nhất là 168 tại khu vực Tây Hồ. Ngoài ra, một số khu vực chỉ số AQI đã giảm xuống ngưỡng “cam.” Trong khi, chỉ số AQI Airvisual ghi nhận được trong ngày hôm qua, có thời điểm lên tới 359.

Đáng chú ý, với chỉ số AQI cao nhất là 168, sáng nay, Hà Nội đã không còn xuất hiện trong danh sách top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới do Airvisual  quan trắc theo thời gian thực.

Ghi nhận trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air vào lúc 11 giờ hôm nay cũng chỉ hiện thị ngưỡng cảnh báo “màu cam” chất lượng không khí “kém.” Thậm chí một số khu vực đã giảm xuống ngưỡng “màu vàng” - chất lượng không khí trung bình. Trong khi, cùng thời điểm này, chỉ số AQI mà PAM Air ghi nhận được ở hầu hết các điểm quan trắc trong ngày hôm qua là “màu đỏ.”

Hà Nội thoát khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nhưng vẫn lo ảnh 2Hiện trạng không khí Hà Nội ngày 15.12. (Ảnh chụp màn hình)

Tới thời điểm 13 giờ 30, PAM Air ghi nhận một số điểm có ngưỡng cảnh báo “đỏ” như: Hoài Đức 174; Bà Triệu 156; Cầu Giấy 153; Minh Khai 152.

Vẫn đáng lo ngại

Với chỉ số chất lượng không khí nêu trên, có thể thấy không khí sáng hôm nay, 15/12 đã tốt hơn ngày hôm qua. Tuy nhiên, một số điểm đo trên địa bàn Hà Nội tới thời điểm 13 giờ chiều nay vẫn ở ngưỡng cảnh báo “đỏ” - ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thông tin trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của thành phố Hà Nội đưa ra chỉ số AQI cao nhất 154 và cảnh báo “nhóm nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.”

Tới thời điểm 14 giờ chiều nay, Hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường đưa ra chỉ số AQI 98 và nhận định “chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc các bện hô hấp tim mạnh...) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.”

Trước đó, ngày 14/12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra thông báo cho biết khoảng thứ 4 tuần sau (ngày 18/12) có thể có mưa, do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu.

“Mọi người kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường,” thông báo của Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.

Về diễn biến chất lượng không khí và bụi mịn PM2.5, Tổng cục Môi trường đánh giá mức độ ô nhiễm không khí trong tuần này (từ ngày 7-13/12) có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (từ ngày 30/11-6/12). Đặc biệt là trong các ngày từ 10 - 13/12, chỉ sốAQI ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.

Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 từ đầu tháng 12 tới nay, nhìn chung, có xu hướng tăng. Đáng chú ý, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Kết quả tính toán AQI ngày cũng cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức “xấu” trong các ngày từ 9-12/12.

Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6 giờ sáng ngày 10/12 và 13/12. Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau.

Sau 12 giờ trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày từ 10/12 đến 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày. Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục