Hà Nội: Thiết lập môi trường đặc biệt thu hút đầu tư công nghệ cao

Hiện Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 115.500 tỷ đồng. Các dự án đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch thành 8 phân khu chức năng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN )
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch thành 8 phân khu chức năng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN )

Ngày 10/5, tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ông Lê Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã có hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ; thiết lập môi trường chính sách đặc biệt, thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.

Hiện Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng; trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao gồm: 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới; 9 dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trong số các dự án đầu tư ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, có một số công ty, tập đoàn trong nước hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như Tập đoàn FPT, Viettel, CMC,… đã hình thành nên được chuỗi liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực phát triển phần mềm, trí tuệ thông minh; sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng cao, thay thế hàng nhập khẩu, có tính dẫn dắt, lan tỏa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tiêu biểu như rada cảnh giới biển ứng dụng công nghệ mạng thế hệ 5G (Viettel), cấu kiện động cơ máy bay, nanocucurmin…

Đặc biệt, ngay sau khi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được bàn giao về Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quản lý từ ngày 24/11/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025, hoàn thành cơ bản bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại; đến năm 2030, đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo hướng thông minh, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân để phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Sau năm 2030, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng theo mô hình “4 trong 1;” tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.

Trên cơ sở căn cứ định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc của thành phố Hà Nội, bên cạnh việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phải thực hiện như giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, hạ tầng phục vụ hoạt động khoa học công nghệ, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Việt Nam-Nhật Bản.

Song song đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông kết nối và tăng cường hệ thống giao thông công cộng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, đi lại giữa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và trung tâm thành phố Hà Nội.

Trước mắt, hoàn thành các đường vành đai phía bắc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), đường vành đai phía nam Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Quốc Oai) để hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

ttxvn_ong Tran Luu Quang1.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trước đó, ngày 24/11/2023, phát biểu tại buổi lễ chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quản lý, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh việc chuyển giao là nhằm tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển theo đúng xu thế của thế giới và các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Việc chuyển giao thể hiện xu thế phân cấp ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ để có cơ chế linh hoạt hơn, nguồn lực dồi dào hơn (kết hợp giữa nguồn lực của trung ương và địa phương) cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các bộ, ngành liên quan quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thực sự là cánh chim đầu đàn về phát triển khoa học công nghệ của Thủ đô và cả nước.

Theo đó, với tinh thần chủ động, phối hợp, trách nhiệm, ngay trước và sau giai đoạn bàn giao tiếp nhận, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học Công nghệ đã chỉ đạo tiếp tục mục tiêu phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như đã đề ra, phát huy các kết quả thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời nhanh chóng giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình bàn giao, đảm bảo không bị gián đoạn các hoạt động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục