Hà Nội thi tuyển sinh vào lớp 10: Nhiều ý kiến chọn phương án một

Dù có nhiều ý kiến khác nhau song theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, nhiều thầy, cô giáo lựa chọn phương án một vì vừa đảm bảo học sinh học toàn diện, vừa giảm áp lực thi cử.
(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa công bố ba phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến công luận.

Dù có nhiều ý kiến khác nhau song theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, nhiều thầy, cô giáo lựa chọn phương án một và cho rằng đây là phương án vừa đảm bảo học sinh học toàn diện, vừa giảm áp lực thi cử.

Cụ thể, ba phương án được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra như sau:

Phương án một: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư (thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Bài thi thứ tư do Sở Giáo dục-Đào tạo công bố vào cuối tháng Ba. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.

Phương án hai: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Phương án ba: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học và Địa lý). Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng Ba.

Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài. Với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài.

Phương án một: Học toàn diện, giảm áp lực

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông liên cấp Lê Quý Đôn, trong ba phương án Sở đưa ra, phương án hai chỉ thi hai môn nên không còn phù hợp với yêu cầu hiện tại là dạy và học toàn diện.

Phương án ba đáp ứng yêu cầu học toàn diện nhưng lại quá áp lực khi học sinh phải thi đến 6 môn.

“Tôi cho rằng phương án một là hợp lý nhất. Do tháng Ba mới công bố môn thi thứ tư nên trong suốt năm học, các em vẫn phải học tất cả các môn. Tháng Ba, sau khi Sở công bố môn thi, thì các em có thể chỉ tập trung ôn 4 môn. Như vậy, vừa đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện, vừa không quá áp lực cho học sinh,” thầy Bình phân tích.

[Tuyển sinh vào lớp 10: Hà Nội sẽ bỏ phương án thi bài thi tổ hợp?]

Đây cũng là quan điểm của thầy Phạm Ngọc Hưng, giáo viên môn Toán tại Hệ thống giáo dục Hocmai.

Thầy Hưng cho rằng cách thức thi sẽ quyết định đến cách thức giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Với ba phương án của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra, mỗi phương án đưa ra đều có ưu và nhược điểm riêng.

Với phương án một, học sinh sẽ phải học rất nhiều môn, học toàn diện ngay từ đầu năm học và đến tháng Ba, các em sẽ tập trung vào 4 môn thi.

Phương án hai đã được sử dụng hàng chục năm qua và đã có nhiều ưu điểm, nhưng có yếu điểm là học sinh chỉ thi hai môn nên học lệch. Bên cạnh đó, phần xét tuyển dựa vào sự đánh giá của giáo viên nên điểm xét tuyển của mỗi học sinh có thể chưa thực sự công bằng.

Phương án ba giúp học sinh học toàn diện, dần tiếp cận đến chương trình sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, theo thầy Hưng, phương án này nếu tổ chức ngay vào kỳ thi năm 2019 sẽ có nhiều nhược điểm.

Ngay từ đầu năm học, học sinh sẽ phải học 9 môn học. Đến thời điểm công bố môn thi các em tiếp tục phải học 6 môn. Điều này là quá tải đối với học sinh. Nếu tổ chức thi trắc nghiệm bài thi tổ hợp thì càng khó khăn hơn vì học sinh chưa quen, dễ mắc các lỗi như nhầm mã đề, tô mờ....

“Theo tôi, phương án một là hợp lý. Thứ nhất, phương án này đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện. Thứ hai, số môn thi không quá nhiều, giảm áp lực cho thí sinh. Thứ ba là hình thức thi quen thuộc, không khác so với các gần đây, điều này giúp học sinh không cảm thấy bỡ ngỡ. Thứ tư, tất cả học sinh đều được học ngoại ngữ tại trường trung học cơ sở nên các em có thể thi môn Ngoại ngữ độc lập,” thầy Hưng phân tích.

Phương án một cũng là lựa chọn của cô Dương Thu Hà, giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học cơ sở Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội).

“Theo tôi, phương án này tránh được sự học lệch và học tủ của học sinh, phù hợp mới mục tiêu phát triển toàn diện mà vẫn không khiến kỳ thi trở nên quá nặng nề,” cô Hà nói.

Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10. (Ảnh: TTXVN)

Sẽ chốt trong học kỳ một

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến lựa chọn phương án khác. Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Anhxtanh cho biết thầy ủng hộ phương án hai, giữ nguyên hình thức thi tuyển kết hợp xét tuyển như hiện nay.

Thầy Hùng cho biết: “Phương thức này vừa khuyến khích học sinh nỗ lực học đều các môn qua việc cộng điểm rèn luyện quy đổi, vừa giảm được áp lực thi cử vì chỉ thi hai môn Ngữ văn và Toán như hiện nay học sinh đã rất căng thẳng.”

Cô Phạm Thị Thúy Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trung Tú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) lại ủng hộ phương án ba.

[Hà Nội: Phụ huynh quay cuồng rút, nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10]

Theo cô Ngọc, phương án này giúp tránh được tình trạng học sinh học lệch, đảm bảo sự phát triển toàn diện.

“Nhưng nên cho học sinh tự lựa chọn tổ hợp thi chứ không ấn định tổ hợp. Điều đó sẽ giúp các em phát huy được thế mạnh của mình trong học tập,” cô Ngọc nói.

Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các nhà trường về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để trình Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.

Phương án chính thức sẽ được công bố trong học kỳ một của năm học 2018-2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục