Hiện nay, khu vực 17 huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội thải ra môi trường từ 2.500-3.000 tấn rác mỗi ngày. Tại một số địa phương đông dân cư, lượng rác thải phát sinh quá lớn còn khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nhức nhối.
Xác định trách nhiệm quản lý nhà nuớc trong lĩnh vực này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, đánh giá toàn diện cơ sở hạ tầng kỹ thuật công tác vệ sinh môi truờng; cơ chế quản lý, quy trình, định mức công tác vệ sinh nông thôn tại các huyện trên toàn thành phố.
Từ kết quả khảo sát đánh giá thực trạng quản lý rác thải, Sở Tài nguyên và Môi truờng Hà Nội đã chỉ đạo công tác vệ sinh môi truờng nông thôn theo hướng giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc truớc mắt như chôn lấp rác phân tán tạm thời; xây dựng những điểm tập kết rác tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tập trung các giải pháp mang tính lâu dài như quy hoạch các cơ sở xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến phân bố theo vùng (huyện), liên vùng (quận-huyện) để kêu gọi đầu tư giải quyết rác nông thôn một cách triệt để.
Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Lý, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, mặc dù công tác xử lý rác thải trên địa bàn thành phố đã được cải tạo, nâng cấp trong những năm gần đây nhưng điều kiện hạ tầng kỹ thuật tại khu vực nông thôn ngoại thành vẫn chưa được đồng bộ.
“Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã đồng ý cho các huyện quản lý toàn diện công tác vệ sinh môi trường nông thôn từ khâu thu gom đến khâu vận chuyển và xử lý rác bằng công nghệ cao theo cơ chế thực hiện tại chỗ. Việc này nhằm giảm chi phí vận chuyển, quản lý chặt chẽ khối luợng rác và giảm áp lực cho các khu xử lý rác tập trung trên địa bàn,” ông Lý nhấn mạnh.
Đại diện Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng cho biết, từ chủ trương phân cấp và giao nhiệm vụ xử lý rác tại chỗ cho các huyện tổ chức thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các huyện Thanh Oai, huyện Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức... lựa chọn các đơn vị vệ sinh môi trường có đủ năng lực, công nghệ để triển khai đầu tư các cơ sở xử lý rác.
Trước thực tế nêu trên, mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long (đơn vị có đủ năng lực đáp ứng đuợc các yêu cầu kỹ thuật đồng bộ cả 3 khâu thu gom-vận chuyển-xử lý rác) thí điểm đầu tư công trình xử lý rác thải nông thôn tại huyện Thanh Oai, với công suất 100 đến 120 tấn/ngày.
Về phía địa phương, ông Lê Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai cho biết, để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và tiết kiệm kinh phí cho ngân sách, huyện sẽ tạo điều kiện cho Công ty môi trường Nam Thăng Long thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ trung chuyển và xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn huyện với mục tiêu thu gom-vận chuyển-xử lý hết rác.
Phó Chủ tịch Lê Tuấn Anh cũng tin tưởng, cùng với việc xây dựng nông thôn mới của huyện, công trình trạm trung chuyển và xử lý rác nông thôn sau khi đi vào hoạt động, năng lực thu gom rác của huyện sẽ tăng từ 65-95% nên gần như không còn rác phát sinh tồn đọng tại các xã. Đặc biệt, kinh phí vệ sinh môi trường sẽ giảm từ 12-15% so với mô hình và phương thức thu gom rồi đem đi chôn lấp như trước kia.
"Dự kiến, trước Tết âm lịch Ất Mùi sẽ xóa hết 100% các điểm rác tồn đọng gây ô nhiễm tại các thôn, xã trên địa bàn huyện,” Phó Chủ tịch Lê Tuấn Anh nhấn mạnh./.