Ngày 30/3, Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long và Công ty cổ phần công nghệ môi trường xanh Seraphin đã chính thức khánh thành dây chuyền đốt rác số 2 và khởi công xây dựng dây chuyền đốt rác số 1 tại Sơn Tây (Hà Nội). Với công suất xử lý 300 tấn/ngày, dây chuyền số 2 được đầu tư với tổng kinh phí là 85 tỷ đồng. Điều đặc biệt là "Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt" này được các cán bộ, kỹ sư của Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long nghiên cứu, thiết kế và chế tạo với nhiều tính năng ưu việt, phù hợp với mức đầu tư cũng như thực tế rác thải tại Việt Nam. Bên cạnh việc làm chủ công nghệ, tiết kiệm chi phí thiết kế, vận hành…, đặc điểm nổi trội nhất của công nghệ này chính là quy trình đốt rác sẽ tận dụng nhiệt năng từ khí thải lò đốt để sấy rác và sấy nóng không khí cung cấp cho lò đốt. Ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long cho hay, thực tế thì dây chuyền đốt rác số 2 đã được đưa vào vận hành đồng bộ từ 1/1/2012 và đến cuối 2012 dây chuyền này đã xử lý được hơn 92.239 tấn rác thải, đạt 84% công suất thiết kế. Các chỉ tiêu về khí thải, mùi, nước thải… cũng như quy trình và hệ thống xử lý rác của dây chuyền này đã đạt các quy chuẩn môi trường. Với những ưu việt trên, dây chuyền xử lý rác thải này đã được Ban Tổ chức Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam 2012 trao giải Ba. Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long được nhận Giải thưởng cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam 2012 và được Tổ chức trí tuệ thế giới (WIPO) trao giải cho doanh nghiệp ứng dụng xuất sắc nhất. [Đốt rác hiệu quả nhờ công nghệ "made in Vietnam"]
Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Thăng Long tại Sơn Tây. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tiếp nối thành công trên, dây chuyền đốt rác số 1 được khởi công nhằm giải quyết bài toán rác thải của Thủ đô. Cũng giống như “đàn anh,” dây chuyền này có công suất 300 tấn/ngày, được xây dựng trên diện tích nhà xưởng 5.700m2 với tổng đầu tư 85 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian hoàn thành đầu tư là ngày 30/7/2012. Đại diện công ty Seraphin cho hay, đến nay, liên doanh này đã cơ bản sản xuất xong các thiết bị chính của dây chuyền như hệ thống thiết bị phân loại, thiết bị xử lý khí, giàn ghi lò đốt; khoảng thời gian 4 tháng tới chủ yếu thực hiện các hạng mục cải tạo nhà xưởng, lắp đặt thiết bị… Phát biểu chỉ đạo, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Việc liên doanh trên đưa dây chuyền đốt rác vào hoạt động cũng như tiếp tục đầu tư dây chuyền đốt rác tiếp theo sẽ đóng góp vào việc xử lý môi trường, đặc biệt là rác thải sinh hoạt.
Dây chuyền xử lý rác số 1 công suất 300 tấn/ngày đã được xây dựng. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
“Với tốc độ tăng dân số, đô thị hóa…, số lượng rác thải sinh hoạt ngày một cao. Do đó, cần phải có phương pháp xử lý rác thải theo hướng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường,” ông Khanh nói. Theo thống kê, hiện mỗi ngày Hà Nội có khoảng trên 5.000 tấn rác thải (nội thành chiếm 3.500 tấn) được thu gom. Thông thường, việc xử lý rác truyền thống là chôn lấp. Song hiện nay các bãi chôn lấp luôn trong tình trạng sắp hết. Vì thế, chiến lược của Hà Nội là phải tiến gần đến công nghệ xử lý rác tiên tiến (đốt và làm phân vi sinh)./.
Trung Hiền (Vietnam+)