Hà Nội thay thế cây có nguy cơ gãy đổ trước mùa mưa bão

Trước mùa mưa bão năm 2023, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã lập danh sách và tiếp tục rà soát để cho cắt tỉa, chặt hạ, trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, cây già cỗi.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây xanh trên tuyến phố Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Theo thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có khoảng 1,7 triệu cây xanh đô thị. Theo đó, tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng 2 m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt tối thiểu tỷ lệ phải từ 6-7 m2/người.

Nhằm tăng diện tích cây xanh, thay thế cây cong, sâu mục, kém phát triển trước mùa mưa bão cũng như thực hiện kế hoạch lâu dài về tăng diện tích cây xanh, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ trồng mới khoảng 500.000 cây xanh đô thị trên toàn thủ đô.

Trong đó, năm 2023 thành phố dự kiến trồng hơn 133.000 cây xanh; năm 2024 sẽ trồng trên 145.000 cây xanh và đến 2025 sẽ trồng mới khoảng 118.000 cây xanh.

Đặc biệt, trước mùa mưa bão năm 2023, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã lập danh sách và tiếp tục cho rà soát để trình cấp có thẩm quyền cho cắt tỉa, chặt hạ, trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, sâu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố và trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhằm hạn chế cây xanh bị gẫy đổ khi mưa to gió lớn.

[Infographics] Tỷ lệ trồng mới cây xanh trang trí trên địa bàn Hà Nội

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố cũng đã có kế hoạch đầu tư cải tạo xây dựng các vườn hoa, sân chơi, công viên; trồng cây mảng, khóm tạo cảnh quan tại các tuyến phố trên địa bàn các quận; trồng cây tạo dải xanh, cải tạo môi trường tại các trục quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ảnh hưởng bán kính 500m khu xử lý rác thải Xuân Sơn.

Không chỉ vậy, thành phố Hà Nội đã quy hoạch hoạch trồng từng chủng loại cây cho mỗi khu vực, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, đồng đều.

Đơn cử, ở dự án hạ tầng giao thông sẽ được trồng các loại cây ban Tây Bắc, bàng lá nhỏ, bằng lăng, chiêu liêu, cọ dầu, phượng tím, giáng hương; ở dự án xây dựng trụ sở cơ quan sẽ trồng cây long não, lộc vừng, hoàng yến, lát hoa, sấu, ngọc lan.

Còn vườn hoa, sân chơi, công viên ưu tiên trồng loại hoa giấy, dâm bụt, tường vi, muồng hoa vàng…

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, để việc trồng, thay thế cây xanh được diễn ra công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật, thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan phải tham vấn ý kiến chính quyền địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các viện, trường, các tổ chức, cá nhân về cây xanh trước khi trồng.

Đồng thời, thành phố yêu cầu các bên liên quan, tổ chức tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận của nhân dân và dư luận xã hội trước khi tổ chức triển khai thực hiện trồng cây thay thế đối với các chủng loại cây già cỗi gây nguy hiểm, không thuộc danh mục cây được bảo tồn, cây quý hiếm, cây cổ thụ trên các tuyến phố, cây hoa sữa tại một số khu vực nhằm giảm mùi hương nồng nặc khi đến mùa hoa nở.

Nằm trong kế hoạch này, năm 2021 thành phố đã trồng 52.579 cây xanh; năm 2022 trồng 49.179 cây xanh./.

Mạnh Khánh

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục