Hà Nội tháo vướng mắc xây lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành triển khai phương án cơ chế tài chính với dự án cải tạo, xây dựng chung cư cao tầng N3.
Một góc khu A1 tập thể Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sau nhiều cuộc họp và đặc biệt tại buổi thị sát ngày 23/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành cần tập trung nghiên cứu, triển khai phương án cơ chế tài chính đối với dự án cải tạo, xây dựng chung cư cao tầng N3 phục vụ tái định cư cho các hộ dân nhà A1 và A2 thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng).

Sở Tài chính là đơn vị chủ trì khẩn trương gửi cho liên ngành thành phố để xin ý kiến, sau đó thống nhất cơ chế cho toàn bộ dự án. Sau khi có số liệu cụ thể của tòa nhà N3, liên ngành thống nhất báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố để có phương án cụ thể, đảm bảo hoàn thành, bàn giao cho người dân vào quý 4/2015.

Được khởi công từ đầu năm 2013, nhưng đến nay, dự án trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến dự án không thể đẩy nhanh tiến độ. Hơn 360 hộ dân sau gần 5 năm phải di dời đến các khu tạm cư đang từng ngày mong ngóng được trở về nơi ở cũ, nhưng cả chủ đầu tư và chính quyền địa phương đều khó trả lời câu hỏi chính xác “bao giờ nhà mới xây xong?"

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội cho biết, dự án cải tạo khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ là dự án thí điểm đầu tiên của thành phố được khởi động từ năm 2002, song do rất nhiều vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, phải tới tháng 3/2013, dự án mới khởi công xây dựng nhà N3.

Theo quy hoạch, khu tập thể Nguyễn Công Trứ được đầu tư xây dựng mới với chiều cao trung bình 14 tầng, tổng diện tích sàn toàn dự án khoảng 360.000m2, gồm 8 tòa nhà cao tầng trên mặt bằng 14 nhà chung cư với hệ thống giao thông đồng bộ được mở rộng kết nối với khu vực, hệ thống cây xanh, công trình hỗn hợp, nhà trẻ, khu thể dục thể thao... đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư, đồng thời tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh.

Chung cư cao tầng N3 được xây dựng trên nền quỹ đất tháo dỡ nhà A1, A2, gồm các công trình hỗn hợp cao 5 tầng, 15 tầng, 19 tầng và có 3 tầng hầm; trong đó, tầng 1 được bố trí không gian thương mại, dịch vụ hỗn hợp; tầng 2 bố trí không gian sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ hỗn hợp phục vụ quản lý toà nhà; từ tầng 3 đến tầng 19 bố trí các căn hộ ở khép kín.

Theo đại diện chủ đầu tư, doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công và hiện toà nhà đã xây dựng đến tầng 5. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Chủ đầu tư cho biết, công tác triển khai mặt bằng và định vị cho phần thi công khó khăn do mặt bằng công trình nhỏ; đường giao thông vào công trường chỉ có một con đường chật hẹp, trong khi các hộ dân lại kinh doanh ở hai bên đường nên việc vận chuyển vật tư, máy móc trang thiết bị ra vào phục vụ thi công rất khó khăn. Do vậy, chủ đầu tư đề nghị thành phố xem xét, tạo điều kiện cho phép các xe vận chuyển và các thiết bị máy móc của công trình được lưu thông trên các tuyến phố ngoài giờ theo quy định.

Đặc biệt, để đảm bảo tiến độ bàn giao nhà cho các hộ dân theo đúng cam kết, Ủy ban Nhân dân thành phố sớm chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển thành phố thẩm định quyết toán công trình nhà ở chung cư cao tầng N3 sau khi được kiểm toán, xác định giá trị mất cân đối, hỗ trợ dự án trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt đồng thời giao Sở Xây dựng điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, trong đó cho phép điều chỉnh thời gian, phương thức đấu thầu...

Cũng theo chủ đầu tư, dự án xây dựng nhà N3 đang đứng trước khả năng bị “âm" tới 322 tỷ đồng. Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án nhà N3 là 578 tỷ đồng trong khi tổng doanh thu theo cơ chế chỉ có 256 tỷ đồng. Phần mất cân đối 322 tỷ đồng gồm chi phí xây dựng (247 tỷ đồng) và chi phí thuê quỹ nhà tạm cư (75 tỷ đồng).

Một trong những nguyên nhân chính khiến dự án mất cân đối là phải bồi thường theo cơ chế hệ số 1,5 lần (các hộ dân ở chung cư cũ được bồi thường số diện tích căn hộ mới gấp 1,5 diện tích ở cũ mà không phải trả tiền).

“Nếu tính toàn bộ dự án cải tạo lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, con số mất cân đối dự tính lên hơn 2.195 tỷ đồng,” đại diện chủ đầu tư cho biết. Do vậy, chủ đầu tư đề nghị thành phố sớm hoàn thiện phương án cơ chế tổng thể đối với dự án.

Từ thực tế triển khai dãy nhà A, chủ đầu tư cho biết, sẽ khó khăn khi triển khai 12 khối nhà còn lại bởi những công trình này nằm ở vị trí thuận lợi hơn nhưng lại tồn tại nhiều đối tượng phải giải phóng mặt bằng như dân cư trong khu tập thể, các hộ cơi nới lấn chiếm, các hộ sở hữu tư nhân, các cơ quan đơn vị, các kiốt, chợ.

Ngoài ra, còn có các công ty kinh doanh nhà nước trước đây đã chuyển đổi cổ phần hóa… rất phức tạp, khó lường hết được các khó khăn phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục