Hà Nội tăng kết nối, nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm OCOP

Hà Nội đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu sản phẩm các quận, huyện, thị xã thành phố, thúc đẩy quảng bá-kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Hà Nội tăng kết nối, nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm OCOP ảnh 1Lãnh đạo Sở Công Thương và Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì tham quan điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Cùng với việc đẩy mạnh liên kết các hộ nông dân, hợp tác xã trên địa bàn thành phố, Hà Nội cũng chuẩn bị sẵn sàng triển khai các kịch bản, giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu; trong đó Hà Nội đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu sản phẩm các quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội, thúc đẩy quảng bá-kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.054 sản phẩm, phấn đấu đến hết năm 2021, thành phố sẽ có khoảng 2.000 sản phẩm được đánh giá và phân hạng, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, đến nay đã phát triển 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố, đồng thời phấn đấu trong những tháng cuối năm, mỗi quận, huyện, thị xã vận hành thêm được tối thiểu 1 điểm OCOP để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương và thành phố Hà Nội.

Là địa phương đã có 103 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận phân hạng sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín cho biết, khảo sát, lựa chọn và khai trương điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp an toàn là khâu then chốt trong việc mang lại động lực và quyết tâm giữ vững chất lượng của các chủ thể OCOP.

[Hà Nội: Khơi thông thị trường, đẩy mạnh kết nối nông lâm thủy sản]

Song song với việc thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay đó là nguồn cung ứng lương thực phẩm cuối năm. Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, cùng với việc chủ động đẩy mạnh sản xuất, gia tăng nguồn cung cho thị trường, ngành nông nghiệp đã phối hợp với ngành công thương và nhiều tỉnh, thành phố xây dựng phương án cung ứng nông sản cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội tăng kết nối, nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm OCOP ảnh 2Người dân tham qua và mua sắm sản phẩm OCOP. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Tuy nhiên, theo ông Chu Phú Mỹ, việc thiết lập các kênh phân phối nông sản còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.

Việc phòng, chống dịch tại các chợ, trung tâm thương mại; việc bảo quản, vận chuyển nông sản giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội cũng cần có kịch bản cụ thể...

Hà Nội sẽ vận hành tối đa công suất của 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện các chuỗi này đang kiểm soát, cung ứng 1.379 loại sản phẩm tại 110 siêu thị, 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn...

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá, tổ chức sản xuất gắn với chuỗi cung ứng với hợp tác xã nông nghiệp ngày càng rõ nét. Đặc biệt, quy mô vốn, tài sản, sản lượng doanh thu của hợp tác xã cũng gia tăng. Tác động đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, kinh tế nông nghiệp nông thôn bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, xu hướng phát triển Hợp tác xã nông nghiệp là yếu tố khách quan phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang thiếu quy hoạch các chuỗi sản xuất cung ứng của các sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương. Chi phí logistics các sản phẩm của Việt Nam chiếm trên 20% GDP, trong khi các nước chiếm 9-13% GDP.

Điều này khiến nông sản Việt khó cạnh tranh; 85% nông sản của nông dân phân phối qua thương lái, chợ đầu mối, nông sản vận chuyển thẳng đến nhà máy chế biến, siêu thị còn hạn chế. Các chính sách hỗ trợ cho khu vực này thường lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia, chứ chưa có chương trình riêng.

Để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào dịp cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch để nông dân yên tâm sản xuất; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu thụ nông sản và vận chuyển giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất.

Các địa phương cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để hạn chế thiệt hại. Mặt khác, ngành nông nghiệp đã đôn đốc 835 doanh nghiệp sơ chế, chế biến tăng cường thu mua, dự trữ nguồn nguyên liệu (ít nhất bằng 3 lần bình thường); bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân...

Cùng đó là tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn để tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng, có mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ; sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tồn ứ sản phẩm.

Các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu dịp cuối năm...

Về phía chính quyền thành phố, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội có kế hoạch tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương năm 2022.

Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân và các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung-cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP,  hướng đến góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân, thích ứng với các diễn biến tình hình về nhu cầu thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục