Hà Nội tăng đầu tư tạo việc làm cho người khuyết tật

Thời gian tới, mỗi năm Hà Nội dự kiến dành 2-3 tỷ đồng để dạy nghề và giải quyết việc làm để tổ chức dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật
Hà Nội đang hướng tới mục tiêu đến năm 2015 có 60%, đến năm 2020 có 100% người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; tất cả người khuyết tật còn khả năng lao động, có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn quỹ khác để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, có 70% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thời gian tới, mỗi năm Hà Nội dự kiến dành 2-3 tỷ đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và giải quyết việc làm để tổ chức dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật có nhu cầu và có khả năng học nghề, nhằm giúp họ có ngành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống.

Thành phố cũng đang nghiên cứu cơ chế để phê duyệt mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện môi trường làm việc cho các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động làm việc ổn định, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.

Hà Nội cũng tổ chức lồng ghép các phiên giao dịch giới thiệu việc làm hàng tháng cho người khuyết tật, giúp họ tiếp cận với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, được tư vấn học nghề, việc làm phù hơp.

Các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật được hỗ trợ kinh phí, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường, thiết bị dạy nghề, biên soạn giáo trình, phương pháp và thời gian dạy nghề phù hợp với người khuyết tật.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu người sử dụng lao động không được sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại; nghiêm cấm sử dụng người khuyết tật nặng, đã bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Thành phố cũng vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tài trợ về trang thiết bị công nghệ thông tin, nâng cấp cơ sở vật chất về dữ liệu tin học cho các tổ chức hội của người khuyết tật; bên cạnh đó bố trí một số chương trình truyền hình sử dụng ngôn ngữ của người khiếm thính, tạo điều kiện để người khiếm thính tiếp cận các thông tin…/.

Pv (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục