Hà Nội tăng cường xây trường, đầu tư trang thiết bị cho năm học mới

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3%, trong đó công lập là 79%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Hà Nội đã đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng mới nhiều lớp học, trường học để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, đáp ứng các yêu cầu dạy và học, đặc biệt là với các khối lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2021-2022, toàn thành phố có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 70.199 lớp, 72.796 phòng học, 2.206.906 học sinh.

Số trường công lập là 2.237 trường, số trường thuộc trách nhiệm quản lý của thành phố là 123 trường. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia tính đến tháng 4/2022 là 1.766 trường (đạt tỷ lệ 79%).

Mức tăng dân số tự nhiên và cơ học nhanh, đặc biệt là tại các quận lõi, quận đang phát triển đã gây sức ép rất lớn cho ngành giáo dục Thủ đô trong việc bố trí chỗ học, đảm bảo yêu cầu quy mô trường, lớp đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất để xây trường mới, mở rộng trường bảo đảm diện tích đáp ứng quy định đạt chuẩn cũng đang là vấn đề tồn tại. Chính vì vậy, mặc dù năm học nào Hà Nội cũng nêu quyết tâm giảm số học sinh/lớp nhưng cũng không thể thực hiện trong "cơn lốc" đô thị hóa.

Thêm vào đó, nhiều trường học thuộc trách nhiệm đầu tư của thành phố được xây dựng từ nhiều năm trước, cơ sở vật chất xuống cấp, các hạng mục công trình, phòng học, phòng phụ trợ, trang thiết bị hàng năm được bổ sung không đáng kể. Hầu hết tài sản, trang thiết bị đã hết khấu hao, không đáp ứng được quy định mới về chuẩn quốc gia.

Đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư, công tác cải tạo, sửa chữa, công tác mua sắm trang thiết bị để bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, giảm số học sinh/lớp là một trong những việc cần làm để nâng cao chất lượng đào tạo. Mong muốn là thế, song việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn vì Hà Nội có tốc độ tăng dân số tự nhiên và cơ học đều nhanh. Dù hằng năm, Hà Nội xây nhiều trường mới nhưng vẫn không giải quyết được triệt để tình trạng quá tải trường lớp tại một số địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tổng nhu cầu đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố là 59.265 tỷ đồng để thực hiện 157 dự án.

Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư của cấp huyện có nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị là 50.738 tỷ đồng, để đầu tư 11.431 dự án. Các huyện, thị xã đã đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 26.775 tỷ đồng.

Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư của cấp thành phố (chủ yếu là trường trung học phổ thông), số trường cần xây mới, cải tạo, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị để đề nghị công nhận mới và công nhận lại đạt chuẩn quốc gia là 123 trường. Ngoài ra, còn có 16 trường cần xây dựng mới với tổng mức đầu tư là 8.526 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, thành phố đang tập trung thực hiện việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao.

Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3%, trong đó công lập là 79%. Thành phố đang tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn thành phố.

Năm học 2021-2022, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh dự xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tăng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021. Dù quy mô học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 tăng song đến nay, 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có nguyện vọng đều được tuyển vào lớp 10 ở các loại hình trường phù hợp.

[Phải đảm bảo đủ trường lớp, đủ giáo viên để thực hiện chương trình mới]

Hàng trăm phòng học mới được bổ sung ở khối trường công lập để đón khối lượng lớn học sinh lớp 10. Cụ thể, Trường Trung học phổ thông Bất Bạt (huyện Ba Vì) xây mới 9 phòng học bộ môn, Trường Trung học phổ thông Ba Vì (huyện Ba Vì) xây mới, cải tạo 10 phòng học bộ môn, Trường Trung học phổ thông Yên Lãng (huyện Mê Linh) xây mới 18 phòng học, cải tạo các nhà hiện trạng, Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) xây mới 12 phòng học bộ môn, nhà phụ trợ.

Nhiều trường trung học phổ thông gồm: Hoài Đức B, Vạn Xuân-Hoài Đức, Thanh Oai A, Thăng Long, Trần Nhân Tông, Lê Lợi-Hà Đông, Nguyễn Du-Thanh Oai đều được cải tạo sửa chữa toàn trường.

Thành phố cũng đầu tư xây mới các trường học trong giai đoạn 2022-2025, trong đó có Trường Trung học phổ thông Thọ Xuân (huyện Đan Phượng), Trung học phổ thông Minh Hà (huyện Thạch Thất), Trung học phổ thông Uy Nỗ, Trung học phổ thông Nguyên Khê, Trung học phổ thông Việt Hùng (huyện Đông Anh), các trường Trung học phổ thông tại khu đô thị Thanh Hà, khu đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn.

Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng thêm 7 trường liên cấp có diện tích tối thiểu 5 héc ta tại Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất, Hà Đông.

Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022-2023, các nhà trường đang tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết, trọng tâm là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên.

Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết từ năm học 2021-2022, học sinh nhà trường đã được học tại trường mới với quy mô xây dựng gồm 2 khối nhà học (4 tầng) với 4.732m2 sàn; xây dựng 1 nhà hiệu bộ 1.360m2 sàn; xây dựng mới 1 nhà giáo dục thể chất và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, cổng trường, sân, tường rào.

Tất cả các thầy cô và giáo viên đều rất vui mừng vì cơ ngơi khang trang, sạch sẽ. Điều này sẽ giúp nhà trường thuận lợi hơn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 năm học 2022-2023 sắp tới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Được sự quan tâm của Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy, Trường Tiểu học Nghĩa Đô đã được phê duyệt Dự án cải tạo nhà trường, gồm: cải tạo khối nhà 3 tầng hiện có với diện tích 1.570 m2, xây mới khối nhà học, phòng chức năng, khu hiệu bộ 4 tầng với diện tích 780m2, 1 tầng hầm và phụ trợ với tổng diện tích là 1.390m2. Hiện công trình đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp đưa vào khai thác ngay từ đầu năm học 2022-2023.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đô Nguyễn Minh Uyên cho biết nhà trường đang chuẩn bị hoàn tất các công việc, lên kế hoạch vận chuyển tài sản, thiết bị, công cụ, dụng cụ để chuyển từ địa điểm học nhờ về Trường Tiểu học Nghĩa Đô.

Dự kiến, đến cuối tháng Tám, nhà trường sẽ tập trung học sinh tại ngôi trường mới để triển khai các phần việc chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Thầy trò nhà trường đều phấn khởi đón chờ một ngôi trường khang trang với các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được tốt hơn các yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là niềm mong mỏi của các phụ huynh khi gửi gắm con em theo học tại trường.

Anh Cù Anh Toản (phường Nghĩa Đô) có con chuẩn bị vào học lớp 1 Trường Tiểu học Nghĩa Đô chia sẻ ban đầu, anh định cho con theo học 1 trường ngoài công lập do lo ngại trường không kịp hoàn thành để đón học sinh, con anh phải đi học xa. Tuy nhiên, sau khi đọc được thông báo trên trang web và fanpage của nhà trường, anh đã nắm rõ về tiến độ xây dựng và yên tâm nhập học cho con./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục