Hà Nội với lượng dân số đông gần 10 triệu người nên thị trường tiêu thụ thực phẩm, nông sản rất lớn và đa dạng.
Song song đó, quản lý, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng hóa kém chất lượng, trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn lậu diễn biến phức tạp khó lưòng và ngày càng tinh vi.
Vĩnh Phúc: Thu giữ hơn 1,2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc
Ngày 7/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai đề án Tăng cường Quản lý các Cửa hàng Kinh doanh Trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2024.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết mục đích chính của kế hoạch là tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trong quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện đề án; bố trí đầy đủ nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động liên quan đến việc triển khai; tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố đang rất chú trọng đến xúc tiến đầu tư thương mại, cũng như kích cầu, giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP làng nghề của Thủ đô rộng rãi trong toàn quốc và các nước trên thế giới.
Mặt hàng trái cây có mức tiêu thụ rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân nên thành phố đặc biệt quan tâm kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đồng thời là bảo vệ quyền lợi cho các thương hiệu uy tín trên địa bàn.
Qua kế hoạch lần này thành phố hướng tới tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây thực hiện đúng quy định pháp luật từ khâu sản xuất, sơ chế, cung ứng ra thị trường và tới tay người tiêu dùng, đảm bảo ổn định sản lượng và tiêu chuẩn chất lượng.
Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm...; xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị, nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng.
Qua đây, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố và nhận thức của người tiêu dùng, tạo thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, không mua trái cây tại các điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng..., không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu có 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố có đăng ký kinh doanh; người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; tất cả cửa hàng kinh doanh thuộc đối tượng của đề án được cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn,” có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm chất lượng lưu giữ trái cây tươi theo quy định khi đến tay người tiêu dùng.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về an toàn thực phẩm... xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị.
Ủy ban Nhân dân thành phố đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện; trong đó, chú trọng việc thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh trái cây; thường xuyên rà soát, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của đề án, nắm bắt thực trạng hoạt động kinh doanh trái cây của các cửa hàng để xây dựng kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây bổ sung, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện đáp ứng yêu cầu theo quy định; duy trì thường xuyên việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây; cấp biển nhận diện (logo) cho các cửa hàng kinh doanh trái cây mới mở đảm bảo điều kiện quy định tại đề án.
Thành phố sẽ công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện, các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn.
Thành phố cũng sẽ xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây an toàn kết hợp khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiến tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây, xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu trái cây an toàn Thủ đô. Qua đó, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm trái cây về chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng khả năng tiêu thụ.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết Sở được giao chủ trì tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện đề án năm 2024.
Vì vậy, tới đây Sở sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất kịp thời với Ủy ban Nhân dân thành phố các giải pháp nhằm thực hiện đề án năm 2024 bảo đảm hiệu quả; sở cũng có kế hoạch thường xuyên tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện đề án, kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét chỉ đạo, hướng dẫn, quyết định.
Sở Công Thương cũng mong muốn các đơn vị, địa phương, cơ sở sản xuất nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật và các quy định nêu tại đề án trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố./.