Hà Nội tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm

Để kiểm soát CPI những tháng cuối năm, Hà Nội giám sát chặt chẽ giá cả, tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các chợ, siêu thị để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý hoặc găm hàng trục lợi.
Khách chọn mua sản phẩm “xanh” và “sạch” thân thiện môi trường tại siêu thị WinMart+. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 của Thủ đô giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 2,18% so với tháng 12/2023 và tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân 11 tháng năm nay tăng 4,37% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Tính riêng trong tháng 11, có 4/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống; thịt gia cầm; các mặt hàng thủy hải sản; nhóm rau tươi, khô và chế biến; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch; nhóm giao thông đều giảm.

Cũng trong tháng 11, có 6/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước gồm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng. Các nhóm còn lại tăng nhẹ không tác động nhiều đến CPI chung: đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; thiết bị và đồ dùng gia đình... Riêng nhóm giáo dục tương đương tháng trước.

Bình quân 11 tháng năm 2024, CPI tăng 4,37% so với bình quân cùng kỳ năm trước; trong đó 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng gồm: nhóm giáo dục tăng 18,04% do 3 tháng đầu năm 2024 các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của Hội đồng Nhân dân thành phố 7, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,07%, do giá nước sạch tăng 26,73%; giá điện tăng 7,71%; giá nhà thuê tăng 8,32%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,24%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,38% do giá lương thực tăng 10,63%; thực phẩm tăng 2,59%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,83%...; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,56% chủ yếu do giá vàng cao dẫn đến giá đồ trang sức tăng 32,22% và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 24,9%.

Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,21% (tác động làm CPI giảm 0,04%).

Chỉ số giá đôla Mỹ tăng 1,73% so với tháng trước, tăng 4,33% so với tháng 12/2023 và tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2024, chỉ số giá đôla Mỹ tăng 4,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội trong những tháng cuối năm 2024, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chính quyền thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu như chuẩn bị các kịch bản dự phòng để ứng phó với biến động nguồn cung, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Thành phố đẩy mạnh kết nối sản xuất-tiêu thụ như hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong việc phân phối sản phẩm nhằm giảm thiểu trung gian, từ đó giảm chi phí và ổn định giá cả.

Thành phố tăng cường kiểm soát giá cả trên thị trường, giám sát chặt chẽ giá cả, tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các chợ, siêu thị và cửa hàng để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý hoặc găm hàng trục lợi.

Thành phố công khai thông tin giá cả, thường xuyên cập nhật thông tin minh bạch về giá cả và nguồn cung các mặt hàng thiết yếu để người dân yên tâm, tránh tâm lý tích trữ; tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để thống nhất hành động trong việc kiểm soát CPI. Đồng thời triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá bằng các ưu đãi về thuế, phí và tín dụng.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch cho biết, trung tâm đang được Ủy ban Nhân dân thành phố giao nhiều nhiệm vụ xúc tiến đầu tư thương mại nhằm tăng cường hợp tác đầu tư vào địa bàn, cũng như giúp đỡ kết nối giữa các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao giữa các tỉnh, thành phố, qua đó đảm bảo quyền lợi, giá cả, sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.

Đặc biệt trong tháng 12 sẽ là cao điểm để Trung tâm Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch sẽ tổ chức chương trình “Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2024.”

Đây sẽ là hoạt động lớn dịp cuối năm để kích cầu tiêu dùng, quy mô triển khai tháng khuyến mại được tổ chức trên địa bàn toàn thành phố, trọng tâm tại địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn trên địa bàn, thu hút hàng trăm doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia với 1.000 điểm bán hàng khuyến mại là các hệ thống cửa hàng sản phẩm, dịch vụ, website thương mại điện tử trên địa bàn thành phố.

Đối tượng tham gia gồm các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm các Trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy, chợ, cửa hàng tự chọn, các cửa hàng chuyên doanh; các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh hàng tiêu dùng; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn; doanh nghiệp vận chuyến; hệ thống các ngân hàng; doanh nghiệp viễn thông; doanh nghiệp công nghệ thông tin; doanh nghiệp xây dựng; doanh nghiệp thương mại điện tử...

Ông Nguyễn Ánh Dương cho biết thêm, trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán thành phố sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình liên quan đến xúc tiến đầu tư, giới thiệu các sản phẩm du lịch, làng nghề truyền thống, OCOP chất lượng cao.

Thành phố cũng sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư trên nhiều địa bạn, tỉnh thành trong cả nước và nhiều nước trên thế giới./.

Tin cùng chuyên mục