Hà Nội sẽ thu hồi 47 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sắp tới thành phố sẽ tiến thành thu hồi 47 dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên giải trình. (Nguồn: hanoi.gov.vn)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sắp tới thành phố sẽ tiến thành thu hồi 47 dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.

Ông Chung đưa ra tuyên bố trên tại Phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố do Hội đồng Nhân dân thành phố tổ chức sáng 13/8.

Tại phiên giải trình, một vấn đề mà các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố rất quan tâm là quỹ đất xây dựng trường học và khu vui chơi giải trí. Đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) cho rằng, hiện nay, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân Thủ đô là rất cao. Địa bàn thành phố có nhiều dự án xây dựng các khu vui chơi, song một số dự án chậm triển khai. Đại biểu Vũ Mạnh Hải “chỉ điểm” cụ thể đó là dự án Công viên giải trí quốc tế Kim Quy trên địa bàn huyện Đông Anh. Dự án khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay không đáp ứng tiến độ. Đại biểu đề nghị cơ quan quản lý lãm rõ quan điểm, trách nhiệm đối với dự án này.

[Xử lý triệt để vi phạm tại dự án mương Phan Kế Bính và Nghĩa Đô]

Thông tin về tiến độ thực hiện Dự án Công viên giải trí quốc tế Kim Quy, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư triển khai dự án. Chủ đầu tư dự án đã ứng 1.000 tỷ đồng cho Ủy ban Nhân dân huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay còn 800 ngôi mộ nằm trong khu quy hoạch chưa được giải phóng, thành phố đang tiếp tục đôn đốc thi công. Hiện chủ đầu tư đang thi công khu vực lõi dự án, phấn đấu hoàn thành trước ngày 10/10/2019.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, khi triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư phải huy động nguồn lực rất lớn, trong khi các dự án có thời gian thực hiện kéo dài, chủ đầu tư thường triển khai cùng lúc nhiều dự án dẫn đến sự thiếu hụt về tài chính. Nhận diện khó khăn này, thời gian tới, thành phố sẽ đôn đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án, từ đó tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đủ năng lực tiếp tục triển khai dự án. Với những dự án không thể tháo gỡ được, thành phố sẽ kiên quyết thu hồi.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau phiên giải trình, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ công bố công khai danh sách 47 dự án thuộc diện thu hồi. Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung hoàn thành phần mềm quản lý quy hoạch dự án để nắm chắc tiến độ triển khai và quản lý chặt chẽ, hiệu quả các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô, nhất là trong tình hình mới, sau khi có Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014.

Tuy nhiên, đợt giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân thành phố đối với 8 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, trên địa bàn Hà Nội còn nhiều dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của nhân dân.

Những hạn chế này cần được Hội đồng Nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo giải trình, làm rõ trước nhân dân; đồng thời, đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục, sử dụng hiệu quả đất đai. Các nhà đầu tư, chủ đầu tư được giao triển khai những dự án sử dụng đất cần thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, chấp hành đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, góp phần phát triển Thủ đô đúng quy hoạch, chiến lược đề ra.

Giai đoạn 2012-2017, thành phố Hà Nội quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 1.914 dự án trên diện tích 4.082 ha; trong đó, thành phố chấp thuận triển khai 634 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 161 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, theo tổng hợp của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội từ 30 quận, huyện, con số này là 383 dự án, tập trung ở huyện Hoài Đức (51 dự án), huyện Mê Linh (50 dự án), quận Nam Từ Liêm (48 dự án)…; chênh lệch lớn so với số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chỉ ra trong những dự án bị nêu tên, có dự án chậm triển khai đến hàng chục năm, nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị các sở, ngành thành phố làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm cũng như phương án xử lý, khắc phục trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết, sau khi Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch phân khu được lập, khiến 240 dự án phải điều chỉnh quy hoạch. Đến năm 2013, Luật Đất đai được thông qua, nhiều chính sách thay đổi tác động lên các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ thời điểm trước đó, dẫn đến việc chậm giải phóng mặt bằng các dự án.

Giai đoạn 2012-2015, thị trường bất động sản trầm lắng. Trong khi đó, một số chủ đầu tư không quyết liệt với những thay đổi, không chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tình trạng nhiều dự án chậm triển khai. Ngoài ra, công tác hậu kiểm của các cấp, ngành thành phố chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa quyết liệt xử lý khiến tình trạng vi phạm kéo dài trong nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên.

Về phương hướng khắc phục, xử lý với các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá từng dự án cụ thể; phối hợp với các sở, ngành chức năng đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm của các cấp, ngành trong quá trình theo dõi dự án.

Với những chủ đầu tư cố tình vi phạm, chây ì không triển khai dự án, Sở sẽ công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và không trao quyết định chủ trương đầu tư dự án tiếp theo. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng các cơ quan chức năng chỉ thực hiện nhiệm vụ riêng lẻ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng hệ thống quản lý dự án rõ ràng, xuyên suốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục