Hà Nội sẽ đánh bắt rùa Hồ Gươm vào cuối tuần này

Kế hoạch đánh bắt "cụ" rùa cuối tuần này đã được Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội đưa ra trong buổi giao ban thành ủy chiều nay, 7/3.
Sẽ dùng lưới đưa rùa Hồ Gươm lên bờ vào cuối tuần này là kế hoạch mà Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trong buổi họp chiều nay, 7/3.

Cũng trong buổi họp, giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, Lê Xuân Rao đã có báo cáo về công tác cứu chữa “cụ” rùa trong thời gian qua. Theo đó, những việc chính trong nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho việc lai dẫn rùa Hồ Gươm về bể chữa thương đã cơ bản hoàn thành.

Công tác bảo vệ, xử lý môi trường nước cũng đang tiến hành có hiệu quả. Ngoài ra, việc bắt và xử lý rùa tai đỏ vẫn đang được triển khai. Các đơn vị thi công cũng đã xây dựng hệ thống bể lưu giữ, bể chữa trị và dọn dẹp khu vực chân tháp Rùa.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Rao cũng cho biết, Ủy ban Nhân dân thành phố đã họp và thống nhất phương án dùng lưới để đưa “cụ” rùa lên bờ. Tuy đã có kế hoạch cụ thể nhưng theo ông Rao, phải tới cuối tuần này, việc đánh bắt “cụ” mới được tiến hành.

Lý giải về công tác thời gian, ông Rao cho hay, lực lượng chức năng cần thời gian để chuẩn bị những tình huống trong quá trình đánh như: rùa phản ứng, quẫy mạnh hay cách đưa rùa lên chân tháp sao cho an toàn. Hai thợ lặn cũng đã được mời tới để giúp đỡ việc đưa “cụ” lên bờ.

Ông Rao cũng khẳng định, trường hợp nếu phát hiện dưới Hồ Gươm có hai cá thể rùa cũng sẽ đưa cả lên để chữa trị.

Về cách chữa trị vết thương cho rùa Hồ Gươm, các cơ quan chức năng cũng đã thống nhất các bước tiến hành. Trước hết, rùa sẽ được tẩy trùng bằng những loại thuốc sát trùng phù hợp, sau đó mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy, nghiên cứu và tiến hành chữa trị. Hội đồng cũng đặt ra trường hợp sẽ tiến hành chữa thử nghiệm trên những loài gần với loài rùa Hồ Gươm.

Dự kiến sau khi kết thúc điều trị, “cụ” rùa sẽ tiếp tục được đưa về bể nuôi dưỡng để tiếp tục theo dõi.

Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm cũng đã đưa ra phác đồ điều trị cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết (đã tiến hành từ trước đến giờ)


Bước 2: “Đánh bắt” rùa lên cạn


Bước 3: Đưa rùa vào bể xử lý bệnh, đủ lượng nước sạch, phù hợp để tránh gây sốc do thay đổi điều kiện sống của rùa


Bước 4: Lấy mẫu bệnh phẩm để tìm tác nhân gây bệnh. Quá trình này cũng cần kết hợp phân loại hình thái, xác định giới tính, thu mẫu ADN để có các hoạt động nghiên cứu sau này.


Bước 5: Xử lý các vết thương cho rùa và dùng bài thuốc an toàn.


Bước 6: Phân tích tác nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị.


Bước 7: Quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng và lên phác đồ chữa trị.


Bước 8: Sau khi kết thúc dùng thuôc, đưa rùa ra bể nuôi dưỡng một thời gian (tùy thuộc vào các điều kiện thực tế) để tiếp tục theo dõi. Theo ý kiến của các chuyên gia, thời gian này sẽ có thể kéo dài từ 2 tháng đến 2 năm.


Bước 9: Trả rùa về hồ sau khi đã làm sạch môi trường.
Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục