Hà Nội: Một số hotline duy nhất cho các sự cố hạ tầng kỹ thuật

Hà Nội: Sẽ có một số hotline duy nhất cho các sự cố hạ tầng kỹ thuật

Người dân sinh sống ở Hà Nội chỉ cần nhớ một số điện thoại duy nhất để thông báo sự cố hạ tầng thông tin liên lạc, điện lực, chiếu sáng, giao thông đường bộ...
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Thanh Vũ/TTXVN)

Nếu như trước đây, người dân sinh sống ở Thủ đô Hà Nội phải nhớ nhiều số điện thoại để thông báo sự cố hạ tầng thông tin liên lạc, điện lực, chiếu sáng, hạ tầng giao thông đường bộ… thì nay, họ chỉ cần thông báo tới một số điện thoại duy nhất: 04.38445566.

Thậm chí, số điện thoại này còn được miễn phí cuộc gọi đến, trừ các số điện thoại di động là thuê bao trả trước.

“Loạn” đầu mối nhận thông tin

Tại Hội nghị công bố Quyết định về việc phê duyệt đề án “Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội” diễn ra sáng nay (12/12), ông Nguyễn Tiến Sỹ (Trưởng phòng Bưu chính, Viễn thông-Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho biết, hiện trên địa bàn Thủ đô có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật do nhiều đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành.

Tùy theo từng ngành, lĩnh vực mà các đơn vị nói trên chịu sự quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Thế nhưng, trong số này chỉ có một số đơn vị có số điện thoại liên lạc hotline để hỗ trợ khắc phục sự cố. 

Lấy ví dụ như loại hình thông tin liên lạc (hệ thống cột, trạm, cáp và hào kỹ thuật, cống bể phục vụ kéo cáp viễn thông, truyền hình cáp, Internet…), đơn vị quản lý là Binh chủng thông tin liên lạc (Bộ Quốc phòng), Cục thông tin liên lạc (Bộ Công an), Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Doanh nghiệp viễn thông, Internet, truyền hình cáp…

Với việc nhiều đơn vị quản lý, số điện thoại Hotline cũng có rất nhiều. Đơn cử như Cục Thông tin liên lạc có 2 số; Viettel 2 số; VNPT Hà Nội 3 số, Truyền hình cáp Việt Nam 1 số…

Thậm chí, có đơn vị còn không công bố rộng rãi số hotline nói trên để nhân dân biết mà gọi điện tới khi công trình có sự cố. Điều này đã gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc báo tin về sự cố đến đúng đơn vị trực tiếp quản lý. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các đơn vị quản lý công trình cũng không được thông báo kịp thời về những sự cố dẫn đến gây thiệt hại về người, tài sản, hư hỏng công trình, ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ…

Quy về một mối

Trước tình hình trên, cuối năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xin ý kiến thành phố lập đề án “Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội.”

Theo đề án này, người dân dễ dàng phản ánh các thông tin sự cố công trình thông qua một số điện thoại hotline duy nhất (04.38445566 ) mà không phải trả cước điện thoại (trừ số điện thoại di động trả trước), bảo đảm việc thông tin nhanh. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể theo dõi, giám sát quá trình xử lý sự cố của cơ quan, đơn vị quản lý.

Tuy đến cuối tháng 11, Ủy ban Nhân dân Hà Nội mới ký Quyết định chính thức phê duyệt Đề án nói trên, nhưng từ tháng 7, số điện thoại này đã được đưa vào sử dụng. Và, ông Sỹ cho biết có thời điểm tổng đài đã nhận được 20 cuộc gọi trong một đêm về việc thông báo tình hình sự cố hạ tầng kỹ thuật.

Đề án này được thực hiện từ 2014-1016 với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Ngoài việc triển khai mua sắm thiết bị hệ thống tổng đài hotline và duy trì trung tâm vận hành và khai thác tổng đài, đề án còn xây dựng phần mềm tiếp nhận thông tin sự cố trên nền bản đồ số, trên thiết bị di động…

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, bên cạnh lợi ích cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước cũng được cung cấp thông tin kịp thời để đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trực tiếp quản lý công trình. Thông qua đó, cơ quan quản lý cũng kịp thời nhắc nhở, kỷ luật với đơn vị trực tiếp quản lý nếu chậm trễ hoặc không xử lý sự cố công trình theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục