Ngày 9/4, bên lề Kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin về việc giải quyết những tồn tại đối với các trường hợp giáo viên hợp đồng trên địa bàn thành phố.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tuyển dụng theo đúng Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Nội vụ.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các quận, huyện rà soát lại toàn bộ thực trạng số giáo viên nằm trong hợp đồng sẽ phải thi tuyển trong đợt này.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đợt thi tuyển lần này nhằm mục tiêu giải quyết những tồn đọng trong vòng 15-20 năm qua, trong đó có giáo viên ký hợp đồng với thời gian dài.
[Đề nghị Hà Nội xét đặc cách cho các giáo viên ở Sóc Sơn]
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn này, Ban Chỉ đạo thành phố sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy nhằm đưa ra phương án tối ưu.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thông qua kỳ thi, thành phố kỳ vọng sẽ tạo được sự ổn định tâm lý trong hệ thống giáo viên trên toàn địa bàn thành phố, giúp giáo viên yên tâm giảng dạy tại các trường.
Đối với các giáo viên có kinh nghiệm, giảng dạy tốt, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ xem xét, đề ra những phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển để những giáo viên có kinh nghiệm, có trách nhiệm, có chuyên môn cao đảm bảo cuộc sống, công việc ổn định.
Trước đó, 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng trước việc họ bắt buộc phải tham gia thi tuyển viên chức tới đây theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Với quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP, không có nội dung hướng dẫn áp dụng đối tượng được ưu tiên xét đặc cách tuyển dụng là giáo viên hợp đồng, dù họ đã công tác, đã cống hiến bao nhiêu năm đi chăng nữa. Do đó, 256 giáo viên hợp đồng không đăng ký thi hoặc thi trượt sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng.
Đặc biệt, lần tuyển dụng này có khác biệt với các lần khác là mở rộng diện tuyển đến các giáo viên ở tất cả các tỉnh, thành phố chứ không chỉ giới hạn với những giáo viên có hộ khẩu Hà Nội.
Hiện Hà Nội có khoảng 2.700 giáo viên hợp đồng. Trong số này, có nhiều giáo viên đã gắn bó với ngành giáo dục Thủ đô đến gần 30 năm, nhiều thầy cô là giáo viên dạy giỏi, nhiều người còn là gương mặt Thủ đô tiêu biểu.
Các giáo viên cho rằng họ sẽ khó qua được vòng thi điều kiện do ngoại ngữ đã học quá lâu không dùng đến, hoặc không được học môn tiếng Anh trước đây, trong khi phải vượt qua môn điều kiện mới được thi chuyên môn./.