Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ 21.500 tỷ đồng hàng hóa cho các tỉnh lân cận

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Hà Nội chuẩn bị khoảng 194.000 tỷ đồng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân Thủ đô trong 3 tháng và dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) 21.500 tỷ đồng.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu luôn đầy đủ phục vụ người dân. (Ảnh: Phương Anh - TTXVN)

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.

Theo Vụ Thị trường trong nước, dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng qua 3 đợt dịch trước hàng hóa cung ứng cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu, kể cả đối với các khu vực bị cách ly hoặc thực hiện giãn cách xã hội nên đến thời điểm này không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.

Nhằm chủ động trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã xây dựng các phương án chi tiết đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng hóa sản xuất ra; lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ.

Cụ thể, cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc sẽ là 5359,05 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã làm việc với các chợ, siêu thị trên địa bàn về bảo đảm hàng hóa giúp phòng, chống dịch.

Các đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác có cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID- 19 trên địa bàn tỉnh.

Qua kết quả kiểm tra ban đầu, Sở Công Thương xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.

Tại Hà Nam, Sở Công Thương có thành lập các đoàn kiểm tra hàng hóa tại các chợ và siêu thị nhìn chung tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, từ ngày 3/5 đến nay, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại người dân vẫn mua hàng bình thường, chỉ có số ít người có tâm lý mua hàng dự trữ nhưng vẫn ổn định, không có biến động nhiều.

(Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động. Một số trung tâm thương mại lớn trong thành phố có lượng khách đến mua giảm hơn so với bình thường.

Mặt khác, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19; trong đó có yêu cầu bảo đảm đầy đủ, liên tục, thông suốt các mặt hàng xăng, dầu, lương thực, thực phẩm thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn…

[PMI: Diễn biến COVID-19 có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng]

Riêng tại Thái Bình, Sở Công Thương đã thành lập đoàn đi kiểm tra các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để năm bắt tình hình diễn biến thị trường và chỉ đạo các thương nhân kinh doanh thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch cũng như bình ổn thị trường.

Song song với việc thực hiện 3 kịch bản cho 3 tình huống gồm cung ứng hàng hóa cho các khu cách ly tập trung tương đương 4.300 người; cung ứng hàng hóa cho 1 xã, phường, thị trấn tương đương 7.000 người; cung ứng hàng hóa cho 1/2 số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tương đương 1 triệu người.

Hơn nữa, Sở Công Thương tiếp tục kích hoạt lại kế hoạch bình ổn thị trường đồng thời kết nối với các thương hiệu Masan, Vinmart+, Kinh đô, Neptuyl và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng cho thị trường Thái Bình thông qua các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị.

Tại các tỉnh có dịch khác như Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam…tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Trước đó, để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản yêu cầu Sở Công Thương phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn tham mưu, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt.

Bên cạnh đó, đề nghị các Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch; ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản (đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh).

Đặc biệt, phối hợp với các Sở Công Thương liên quan trên địa bàn toàn quốc, các doanh nghiệp phân phối lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; tham mưu, báo cáo, đề xuất lãnh đạo địa phương làm việc với lãnh đạo các địa phương khác cùng phối hợp xử lý các vướng mắc trong hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các đơn vị trong việc hướng dẫn thu mua sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, hiện các địa phương tùy vào tình hình thực tế trên địa bàn, đã chủ động có phướng án bảo đảm lưu thông hàng hóa và hỗ trợ tiêu thụ nông sản (nếu có) khi vào vụ thu hoạch.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, đánh giá nguồn cung và khả năng tiêu thu thị đối với mặt hàng hành tím tại Sóc Trăng do tỉnh này đang tồn khoảng 50.000 tấn hành tím trong kho và đang vào vụ với giá bán khoảng 15.000 đ/kg.

Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tại phía Nam và trang thương mại điện tử Sendo.com để xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ hành tím VC trên “gian hàng Việt.”

Mặt khác, Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị trong Bộ gồm: Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ và Cục Xúc tiến thương mại đã làm việc với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu trực tuyến giữa tỉnh Bắc Giang với các tỉnh trong cả nước và một số thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia trong thời gian tới để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục