Hà Nội quyết tâm gỡ vướng để cấp “sổ đỏ” cho các thửa đất tồn đọng

Để thực hiện chỉ đạo của Thành ủy-UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên-Môi trường tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và xây dựng giải pháp thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các thửa đất còn tồn đọng.
(Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Thắng/TTXVN)

Thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy-Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, kết quả đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt là giấy chứng nhận) trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, cơ bản đạt mục tiêu đề ra với thời hạn chốt 30/6 tới.

Tuy nhiên, với những thửa đất còn tồn đọng do khó khăn, vướng mắc rất lớn và phức tạp khi xét cấp giấy chứng nhận lần đầu, thành phố đang có các giải pháp tháo gỡ cụ thể nhằm phấn đấu hoàn thành công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân.

Đạt mục tiêu “cán đích”

Không thể phủ nhận, sau khi có Chỉ thị 09/CT-TU ngày 1/9/2016 của Thành ủy Hà Nội và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/5/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội và các cấp chính quyền địa phương, công tác cấp giấy chứng nhận thời gian gần đây đã đạt kết quả rất khả quan, góp phần giảm 70-80% khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến lĩnh vực này.

["Đục nước béo cò" từ việc dồn điền đổi thửa gây bức xúc dư luận]

Tại hội nghị trực tuyến mới đây của thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, những tiếng khen của người dân trong lĩnh vực này rất rõ. Cán bộ nhiều quận, huyện, xã, phường và đơn vị chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường đã phải chia nhau làm thêm giờ, làm đêm, từ Phó Chủ tịch thành phố, Giám đốc Sở xuống tận nơi tháo gỡ vướng mắc cho các quận, huyện…

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đến nay Hà Nội đã thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư là 1.497.972 thửa/1.551.951 thửa, đạt 96,52%.

Dự kiến đến ngày 30/6/2017 cấp được 1.320.206 thửa/1.355.510 thửa (đã kê khai, đủ điều kiện cấp), đạt 97,40%; cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu được 196.441 thửa/196.441 thửa, đạt 100%.

Tại dự án phát triển nhà ở, thành phố ước hoàn thành cấp giấy chứng nhận cho 150.012 căn/178.278 căn (chủ đầu tư đã xây dựng xong và đã lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định), đạt 84,14%.

Đối với nhà tái định cư, thành phố đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cho 11.400 căn/14.027 căn (đã có Quyết định bán nhà), đạt 81,27%. R

Riêng cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, có 611.210 hộ gia đình được cấp giấy, đạt 98%...

Mặc dù kết quả cấp giấy chứng nhận lần đầu trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ cao và đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, song cũng theo đánh giá của lãnh đạo thành phố Hà Nội, việc cấp giấy chứng nhận cho một số loại đất còn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đơn cử như nhiều quận, huyện vẫn đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn kê khai, cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai của người dân; hay công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước còn chậm, một số cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội chưa bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý; việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo kết quả đạt thấp; vẫn còn tình trạng tồn đọng hồ sơ chưa được giải quyết kịp thời…

Lý giải những tồn tại trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xác định rõ, nhiều trường hợp người sử dụng đất không có tiền nộp nghĩa vụ tài chính, không muốn ghi nợ tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của thành phố chưa hoàn thiện, hiện mới có 3 huyện và 17 phường có bản đồ địa chính.

Một số bản đồ chưa được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên, ảnh hưởng đến việc kê khai, cấp giấy chứng nhận. Nhiều trường hợp người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, nhưng do chủ đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, tài chính, kinh doanh bất động sản..., đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Đáng chú ý, địa bàn thành phố vẫn còn 2.647 căn nhà tái định cư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa ký hợp đồng mua bán nhà, chưa nộp hồ sơ kê khai, một số trường hợp đã chuyển nhượng bằng giấy tờ viết tay sau ngày 1/1/2008...

Sở Xây dựng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận…


Quyết liệt gỡ vướng

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận tiện cho việc tra cứu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tế của thành phố, phấn đấu thực hiện hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân theo đúng chỉ đạo của Thành ủy-Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và xây dựng giải pháp thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các thửa đất còn tồn đọng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với 16 nội dung vướng mắc về cấp giấy chứng nhận lần đầu, 14 vướng mắc về kê khai, đăng ký đất đai lần đầu và 25 vấn đề vướng mắc khi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, sau khi ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và ý kiến thống nhất của Tổng cục Quản lý đất đai, Sở đã có hướng dẫn giải pháp thực hiện cụ thể yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết.

Đơn cử như vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận cho cán bộ, công nhân viên được cơ quan, tổ chức giao đất làm nhà ở hoặc bàn giao nhà ở sau khi thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ trên đất được thành phố giao trước ngày 1/7/2004, sẽ được cấp giấy chứng nhận nhưng không vi phạm chỉ giới đường đỏ (tại thời điểm xét cấp giấy).

Trường hợp vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ cấp cho diện tích đất và công trình xây dựng bên ngoài chỉ giới đường đỏ và phải nộp đủ tiền sử dụng đất.

Trường hợp đang sử dụng đất thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất trước ngày 1/7/2014 do vi phạm pháp luật đất đai, đến nay quyết định thu hồi chưa được thực hiện, trường hợp đang sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch (tại thời điểm xét cấp giấy), không có tranh chấp, Ủy ban Nhân dân cấp huyện kiểm tra, rà soát, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo thành phố xem xét bãi bỏ quyết định thu hồi đất và chỉ đạo việc xét cấp giấy chứng nhận.

Cũng theo giải pháp hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ủy ban Nhân dân cấp huyện xem xét hủy bỏ thông báo thu hồi đất và xét cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp đang sử dụng đất theo quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, đến nay quá 3 năm tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không liên hệ với địa phương để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Trường hợp có quyết định thu hồi báo cáo Sở trình thành phố xem xét điều chỉnh hoặc hủy bỏ quyết định thu hồi để có cơ sở xét cấp giấy chứng nhận.

Ủy ban Nhân dân cấp huyện chủ động liên hệ với đơn vị quản lý khu đất (thuộc Bộ Quốc phòng) để tiếp nhận quản lý và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho trường hợp đất hộ gia đình là công nhân viên quốc phòng được thanh lý, hóa giá nhà tập thể nhưng nay vẫn thuộc khuôn viên đất quốc phòng; hay hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do các cơ quan, tổ chức tự quản nhưng nay các đơn vị đã giải thể, không còn đầu mối quản lý hoặc đã để các hộ tự quản tại một số khu vực riêng biệt, sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch.

Đặc biệt, đối với 25 vướng mắc về đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất cũng như những vướng mắc trong xác định thời điểm thu nghĩa vụ tài chính, đối với hộ gia đình, cá nhân đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp giấy chứng nhận, xin chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày 1/7/2014; đối với hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất, cấp đất không đúng thẩm quyền; các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai..., thành phố chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm theo đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục