Hà Nội: Quyết tâm cao nhất để thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội

Ủy ban Nhân dân thành phố xác định năm 2023, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7%, GRDP/người/năm đạt khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng 12/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phát động phong trào thi đua năm 2023.

Thành phố đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7%, GRDP/người/năm đạt khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% hộ nghèo so với cuối năm 2022...

Quyết tâm cao nhất để thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội

Tại Hội nghị sáng 12/12, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng đã công bố Quyết định số 4969/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 của thành phố Hà Nội. Trong đó, biểu tổng hợp chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gồm 26 chỉ tiêu, gồm 6 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 chỉ tiêu xã hội; 6 chỉ tiêu đô thị, nông thôn, môi trường và 1 chỉ tiêu xây dựng chính quyền.

Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân thành phố xác định, năm 2023, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7%, GRDP/người/năm đạt khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% hộ nghèo so với cuối năm 2022...

Trình bày những nội dung cần quan tâm để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2023 và 5 năm 2021-2025, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết kế hoạch đầu tư công năm 2023 toàn thành phố là 46.946 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố có 26.126 tỷ đồng, cấp huyện là 19.918,9 tỷ đồng. Cấp thành phố có 238 dự án, trong đó có tới 219 dự án chuyển tiếp, 19 dự án mới. Ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích và xây dựng hạ tầng gồm 515 dự án. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ hiện nay toàn thành phố có hơn 100 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án. Đây là vấn đề cần tập trung khắc phục để kịp thời bố trí vốn.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà lưu ý biên chế công chức thành phố sẽ phải giảm 5% trong giai đoạn 2022-2026. Để thực hiện, trong năm 2023, các đơn vị sẽ tự điều hòa nội bộ; năm 2024, 2025 giảm 1,5% mỗi năm; năm 2026 giảm 2%. Tuy nhiên, nhiều nơi đang thiếu biên chế, các quận phải tập trung thi tuyển bảo đảm biên chế được giao...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt tập trung triển khai hiệu quả, thực chất hơn nữa chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển."

[Động lực cho phát triển Hà Nội - Diện mạo và tâm thế mới]

Với tinh thần đó, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức đoàn thể thành phố cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm cao nhất, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời, đề nghị mỗi đơn vị, địa phương bên cạnh thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, cần chọn ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cấp thiết nhất, người dân bức xúc nhất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét; chú trọng một số nhiệm vụ quan trọng như triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Thành ủy; tập trung giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, quyết tâm hoàn thành bàn giao ít nhất 70% mặt bằng vào tháng 6/2023 để kịp khởi công dự án...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương hoàn thiện Văn phòng điện tử và Hệ thống báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố, đưa vào vận hành chính thức từ tháng 1/2023.

Các cấp, các ngành bằng nhiều giải pháp sáng tạo phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 352.920 tỷ đồng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công gắn với thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu.

Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Năm 2022 GRDP tăng 9,69% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội diễn ra ngày 7/12/2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của thành phố. Theo đó, trong năm 2022, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu tổng quát của cả năm với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch).

Cụ thể, trong năm 2022, GRDP đã phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước; lũy kế 9 tháng năm 2022, GRDP tăng 9,69% - là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (cả nước tăng 8,83%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,97%) và cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%.

Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Thành phố đã kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Thành phố đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh: thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; tạo việc làm cho trên 56.000 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua ngân hàng chính sách; hỗ trợ trên 1.400 hộ thoát nghèo, 6.670 hộ thoát cận nghèo. Thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng cho trên 72.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế được giảm trên 13.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho gần 19.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng…

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng phát triển. Thành phố đã ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực văn hóa và con người của Thủ đô. Các hoạt động văn hóa, lễ hội tiếp tục được tuyên truyền và triển khai có hiệu quả, đặc biệt công tác tổ chức SEA Games 31 của thành phố Hà Nội đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được Trung ương giao, bảo đảm các mốc tiến độ, góp phần tổ chức thành công SEA Games 31; được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, tiếp tục khẳng định hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Ủy ban Nhân dân Thành phố đã trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố quyết nghị thông qua, thành phố đã bố trí kế hoạch vốn để triển khai thực hiện 146 dự án đủ điều kiện triển khai trong những tháng đầu năm. Đến nay, ngân sách thành phố đã bố trí trên 11.400 tỷ đồng để thực hiện 668 dự án; ngân sách cấp huyện bố trí 677 tỷ đồng để đối ứng các dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ.

Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, đã có thêm 595 sản phẩm OCOP được công nhận và lũy kế đến nay có 1.649 sản phẩm OCOP. Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã thuộc huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục