Hà Nội quyết liệt hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4

Đến nay, huyện Mê Linh đã phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với diện tích 133,1ha/141,5ha, đạt 94,4% tổng diện tích toàn tuyến qua địa bàn.

Mê Linh là một trong những địa phương đi đầu của thành phố làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 4. (Ảnh: Linh Khánh/TTXVN)
Mê Linh là một trong những địa phương đi đầu của thành phố làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 4. (Ảnh: Linh Khánh/TTXVN)

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh (Hà Nội) có chiều dài 11,2km, chiếm tỷ lệ 19% toàn thành phố Hà Nội, đi qua địa bàn 5 xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm và Kim Hoa.

Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha (trong đó, đất nông nghiệp 120,3ha, đất ở 8,2ha, đất trường học 1,8ha; còn lại là các loại đất khác 11,2ha) liên quan đến 2.700 hộ dân với chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp kết nối giao thông giữa huyện Mê Linh với 4 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội để huyện sớm đạt tiêu chí quận giai đoạn 2025-2030 và trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030 theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết xác định đây là dự án đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện và Thủ đô, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc cắm, bàn giao mốc giới và đền bù, giải phóng mặt bằng.

Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong quá trình triển khai dự án.

Mê Linh là một trong những địa phương đi đầu của thành phố làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 4.

Đến nay, huyện Mê Linh đã phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với diện tích 133,1ha/141,5ha, đạt 94,4% tổng diện tích toàn tuyến qua địa bàn; trong đó, 3 xã (Chu Phan, Thanh Lâm, Đại Thịnh) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất nông nghiệp.

Số diện tích còn lại (0,114 ha) liên quan đến 17 hộ gia đình tại xã Kim Hoa và Văn Khê dự kiến sẽ hoàn thành trước 10/12/2023.

Mới đây, tại buổi kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng và thăm, động viên đơn vị thi công Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, Bí thư Huyện ủy huyện Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm khẳng định cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành giải phóng 100% diện tích theo đúng kế hoạch; đồng thời, tích cực phối hợp, hỗ trợ tối đa chủ đầu tư, các đơn vị nhà thầu để quá trình thi công dự án diễn ra nhanh chóng, an toàn, thuận lợi.

Theo đại diện đơn vị thi công gói thầu số 8 của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị đã huy động nhân lực, thiết bị để thi công các hạng mục như: Bóc lớp đất hữu cơ, đắp trả bờ bao khuôn đường, thi công cống, cọc khoan nhồi…

img-5397-9277.jpg
Lãnh đạo huyện Mê Linh kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng và thăm, động viên đơn vị thi công dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đoạn qua huyện Mê Linh (Ảnh: Linh Khánh/TTXVN)

"Với 8 mũi thi công đồng loạt (4 mũi thi công đường và 4 mũi thi công cầu), đơn vị phấn đấu hết năm 2023 sẽ hoàn thành thi công khoảng 21% khối lượng dự án qua địa bàn huyện Mê Linh," đại diện đơn vị thi công gói thầu số 8 cho biết.

Lãnh đạo huyện Mê Linh nhấn mạnh, cùng với việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, huyện đang khẩn trương triển khai xây dựng các khu tái định cư phục vụ các hộ di dời thực hiện dự án.

Khu tái định cư tại thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê có quy mô 7,74ha, tổng mức đầu tư khoảng 179,2 tỷ đồng được khởi công xây dựng từ tháng 8/2023, phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 30/12/2023 để bàn giao người dân xây dựng nhà ở.

Thời gian qua, cùng với việc quyết liệt, tích cực triển khai Dự án đường Vành Đai 4-Vùng Thủ đô (đoạn qua địa bàn huyện), huyện Mê Linh đã chủ động triển khai lập Quy hoạch Xây dựng Vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huyện đã tổ chức nhiều buổi làm việc, hội thảo với sự tham gia của các sở, ngành; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, nhà tư vấn để lấy ý kiến tham gia về những quan điểm, định hướng lớn phát triển.

Các đơn vị tư vấn và chuyên gia đã có những nghiên cứu sâu về hiện trạng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội huyện Mê Linh; đánh giá tiềm năng, lợi thế của huyện trong tổng thể Thủ đô Hà Nội và Vùng Thủ đô để đưa ra các giải pháp và tầm nhìn phát triển huyện Mê Linh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Đồng thời, gợi ý nhiều giải pháp đề xuất về thúc đẩy phát triển Thành phố Sáng tạo; Không gian Văn hóa Sông Hồng, các giải pháp, mô hình quy hoạch về giao thông gắn với phát triển cộng đồng…

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quy mô nghiên cứu, tính chất bao quát lớn, nội dung tích hợp nhiều phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực và địa bàn.

Việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là chiến lược phát triển Thủ đô.

Vì vậy, thành phố rất quan tâm chỉ đạo ban hành Kế hoạch triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nội dung, tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

img-5399-2132.jpg
Huyện Mê Linh đã phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với diện tích 133,1ha/141,5ha, đạt 94,4% tổng diện tích toàn tuyến qua địa bàn. (Ảnh: Linh Khánh/TTXVN)

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng sự phát triển huyện Mê Linh gắn với sự phát triển chung của Thủ đô và Mê Linh sẽ là một phần của thành phố mới tương lai.

Đến năm 2025, với tỷ lệ đô thị hóa được định hướng từ 70-75% sẽ là cơ hội để nghiên cứu, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của huyện Mê Linh trong mối liên hệ vùng, tạo động lực phát triển cho huyện trong tương lai.

Hiện, huyện đang tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa tích hợp rõ nét hơn đồ án Quy hoạch Xây dựng Vùng huyện Mê Linh và cập nhật, đề xuất trong nội dung Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang triển khai lập, đảm bảo tuân thủ, phù hợp với các đồ án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2023 được xem là năm "bứt phá" thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mê Linh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Để đạt được mục tiêu xây dựng huyện phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; đồng thời phấn đấu xây dựng huyện Mê Linh sớm trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thống nhất, có quyết tâm chính trị cao, đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động quyết liệt, huy động tối đa mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Trước mắt, huyện chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong từng lĩnh vực, vụ việc; thực sự đẩy mạnh cải cách hành chính, đôn đốc cán bộ, công chức giải quyết nhanh thủ tục cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư phát triển.

Đồng thời, tập trung rà soát, có kế hoạch xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, không để phát sinh vi phạm mới...

Với tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển, nhất là vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, đất đai trù phú, Đảng bộ và chính quyền huyện Mê Linh sẽ tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bức xúc dân sinh nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy thế mạnh để phát triển xứng tầm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục