Hà Nội quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP; trong đó, có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao.
Khách tham quan và mua sắm tại hội chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của các tỉnh Nam Bộ. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ khi triển khai tới nay đã thu hút được nhiều chủ thể ở các làng nghề có sản phẩm tham gia.

Chương trình đã thay đổi được cách nhìn, cách làm, cách quản lý trong sản xuất sản phẩm làng nghề và hướng tới sản xuất bền vững để xuất khẩu. Đó là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, doanh nghiệp, làng nghề và hợp tác xã. 

Hiệu quả khi được công nhận sao

Với phương châm, Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế quan trọng và chủ lực của nhân dân, trong phong trào xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, xác định xúc tiến thương mại là then chốt, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, sau 3 năm triển khai (2018-2020), Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có hàng trăm sản phẩm được phân hạng từ 3-5 sao, điều này đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn 2018-2020, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP; trong đó, có từ 500 sản phẩm được xếp hạng cấp thành phố và cấp quốc gia theo quy định.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP; trong đó, có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân hạng khoảng trên 370 sản phẩm hoàn thành trong tháng 12 này. Thành phố phấn đấu đến hết năm nay có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Bà Phạm Thị Bình, Chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình - sản phẩm làng nghề bánh tẻ Phú Nhi ở thị xã Sơn Tây cho biết thông qua chương trình này, người làm nghề mong muốn đưa sản phẩm đi khắp mọi nơi trên đất nước, đặc biệt là vào khu du lịch, siêu thị ẩm thực….

Khó khăn hiện nay trong việc được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP chính là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này. Nhờ tham gia hiệp hội làng nghề, thu nhập của người làm nghề khá ổn định.

Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng lãi được hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng, để bánh tẻ Phú Nhi đi xa vẫn còn nhiều khó khăn do bánh không bảo quản được lâu. Khách hàng muốn mua với số lượng lớn cũng chưa đáp ứng được ngay, bà Bình chia sẻ.

[Hà Nội: Khai mạc Hội chợ nông sản, thực phẩm, sản phẩm OCOP]

Chủ một cơ sở mây tre đan ở huyện Chương Mỹ cho biết được sự quan tâm của các cấp, các ngành đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, hy vọng các sản phẩm OCOP sẽ phát triển mạnh mẽ không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài. Đó cũng là động lực để các cơ sở sản xuất tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho bà con.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho hay hiệu quả của các chương trình kết nối nâng lên rõ rệt, 65% sản phẩm OCOP tham gia các chương trình kết nối giao thương đã được đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Cũng theo bà Hậu, việc phát triển các sản phẩm OCOP góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, kỳ vọng, thông qua các buổi kết nối giao thương, sẽ có nhiều hơn các sản phẩm OCOP được đưa vào kênh phân phối hiện đại.

Không chỉ đánh giá xếp hạng sản phẩm, Hà Nội đã mở rộng hệ thống các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Theo đó, năm nay, đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên bao gồm sản phẩm lụa tơ tằm, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ quả an toàn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.

Trong năm nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền. Tổng kết 3 sự kiện đầu Ban tổ chức đã kết nối được các các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn của cả nước ký kết được 473 biên bản hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh và các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia tại sự kiện.

Có được kết quả trên, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nNng thôn Hà Nội là do chương trình đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương, thành phố đến cơ sở, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP Thành phố, tạo ý thức và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm và nhân dân.

Các sản phẩm nông sản được giới thiệu tại hội chợ. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Đáng chú ý, Hà Nội có 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Còn nhiều tồn tại

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, việc triển khai chương trình vẫn còn những khó khăn nhất định. Bởi lẽ, tuy đã có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm và người dân nhưng chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả. Việc chỉ đạo, điều hành và triển khai Chương trình OCOP của một số quận, huyện vẫn còn lúng túng, gặp một số vướng mắc.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết Chương trình OCOP của nhiều địa phương năm nay vẫn gặp khó khăn như: chưa có nhiều mô hình sản xuất thật sự nổi trội để nhân rộng; hệ thống doanh nghiệp, kinh tế hợp tác phát triển chưa mạnh.

Bên cạnh đó, liên kết, liên doanh còn hạn chế; sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán; lao động phần lớn làm theo kinh nghiệm, truyền nghề chưa qua trường lớp đào tạo. Năng lực nội tại các hộ sản xuất, hợp tác xã chưa mạnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; các loại nông sản, vật phẩm chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, chủ yếu ở dạng thô…

Hiện nay, các văn bản, chính sách về Chương trình OCOP chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo công tác quản lý Chương trình, quản lý sản xuất kinh doanh, đánh giá và xếp hạng sản phẩm, quảng cáo tiếp thị sản phẩm, thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP,… chưa có cơ chế cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại các địa phương. Do đó, việc triển khai các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP là hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, mặc dù công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên còn chưa tập trung khai thác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại trên các mạng xã hội. Cơ chế, chính sách của Trung ương còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, theo các chuyên gia, Hà Nội cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP một cách đồng bộ từ thành phố đến cơ sở theo đúng chu trình OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông; quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế của địa phương trong sản xuất nông-lâm nghiệp và góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn là định hướng được đặt ra trong giai đoạn 2021-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục