Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự gia tăng quy mô dân số khiến nhà cao tầng và phương tiện giao thông phát triển nhanh.
Nhiều chung cư ở Thủ đô không có tầng hầm hoặc chỉ thiết kết từ 1-2 tầng hầm dẫn tới không đủ chỗ đỗ xe cho cư dân.
Việc thiếu chỗ đỗ xe gây áp lực cho hạ tầng giao thông ngoài chung cư. Bởi vậy, thành phố Hà Nội đã có công văn 4174 hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe với các dự án đầu tư xây dựng tại Thủ đô.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, chỉ tiêu diện tích đỗ xe đối với công trình xây dựng mới chỉ áp dụng tại 2 khu vực gồm nội đô lịch sử và nội đô mở rộng. Khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ Vành đai 2 trở vào.
Còn khu vực nội đô mở rộng, phát triển mới và các đô thị vệ tinh được giới hạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.
[Vì sao Hà Nộị chọn Công ty Nhật Bản lập quy hoạch đỗ xe ngầm nội đô?]
Với hướng dẫn mới, diện tích xây dựng tầng hầm đỗ xe của công trình tối thiểu bằng diện tích xây dựng công trình; tối đa trùng với chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất hợp pháp của ô đất xây dựng công trình. Đối với chiều sâu tầng hầm để xe không quá 5 tầng.
Các dự án cần nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm gồm: các dự án nhà ở, không phân biệt các loại chung cư (cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội hay nhà tái định cư)... Riêng với chung cư thương mại, cứ 100m2 thì phải dành 20m2 làm chỗ đỗ xe.
Việc quy định dự án xây mới phải có hầm đỗ xe đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân và doanh nghiệp xây dựng Thủ đô.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khi nhà ở xã hội bị giới hạn giá bán mà dự án thuộc diện phải có tầng hầm thì sẽ gây đội giá bởi chủ đầu tư phải bỏ chi phí xây dựng tầng hầm.
Quy định dự án phải có tầng hầm cho thấy chính quyền Thủ đô đang quyết tâm giải bài toán đỗ xe tĩnh. Hiện Hà Nội không chỉ thi công giàn thép lắp ghép trên cao để giữ xe mà dự án xây bãi đỗ xe ngầm trong công viên cũng đang được triển khai./.