Ngày 5/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội dành một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn về 3 nhóm vấn đề gồm: Tình hình và kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội; việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập.
Trong số đó, nhóm vấn đề thực hiện công tác quản lý nhà nước với các trường ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô được các đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết việc lựa chọn nhóm vấn đề này để tái chất vấn đều xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý điều hành và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đồng thời là những vấn đề được đông đảo cử tri, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố quan tâm.
Để chuẩn bị nội dung chất vấn, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố đã tổ chức giám sát, khảo sát và làm việc với các sở, ngành liên quan để có báo cáo gửi đại biểu tham khảo.
Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 7/2018, Hội đồng Nhân dân thành phố đã chất vấn nhóm vấn đề này và đã có thông báo kết luận cụ thể.
Sau hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện, bên cạnh sự phát triển khá nhanh của hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập, công tác quản lý nhà nước với các cơ sở này vẫn còn những hạn chế, cần chất vấn tiếp tục nhằm tăng sự đồng thuận và tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực này.
[Đà Nẵng ngăn chặn bạo hành trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non]
Do đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị người trả lời chất vấn cần trả lời đúng nội dung, không né tránh, đúng trách nhiệm của mình với vấn đề đại biểu quan tâm; đặc biệt đối với những hạn chế, thiếu sót, bất cập, cần xác định rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục để cử tri và đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Chủ tọa kết luận với từng nội dung cụ thể, sau đó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ trực tiếp giải trình, tiếp thu. Sau phiên chất vấn sẽ ban hành thông báo kết luận phiên chất vấn để tạo cơ sở giám sát việc thực hiện.
Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng liên quan đến trách nhiệm của sở trong việc quản lý nhà nước với các trường ngoài công lập còn nhiều hạn chế, nhất là ở cấp học mầm non.
Đại biểu Vũ Mạnh Hải nêu ý kiến nhiều trường cơ sở vật chất bộc lộ yếu kém, mất an toàn, trụ sở một số nhóm trông giữ trẻ, lớp mẫu giáo thường được thuê từ nhà dân, không có phòng học, sân chơi đảm bảo diện tích, chưa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thiếu nhà vệ sinh, bếp ăn không đủ an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, công tác sau cấp phép với các cơ sở còn hạn chế, chưa tuyên truyền tốt để phụ huynh lựa chọn trường lớp, công tác quản lý giáo dục trên địa bàn của một số phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện còn khó khăn? Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục?
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương phản ánh hiện nay, tại các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, các cơ sở giáo dục ngoài công lập còn nhiều tồn tại, trong đó cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu, thiết bị dạy học thiếu, chắp vá, các lớp nhóm trông giữ trẻ mẫu giáo vượt quá số lượng cho phép.
Qua giám sát và phản ánh của báo chí, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục. Đại biểu Nguyễn Quang Thắng đặt câu hỏi: Hiện nay, đối với trường ngoài công lập, qua khảo sát, về công tác cấp phép, nhiều cơ sở nhóm trẻ mẫu giáo chưa được cấp phép, chưa có quyết định thành lập nhưng nhưng vẫn mở, trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền chưa kiên quyết đình chỉ các cơ sở này. Tình trạng trẻ vượt quá số lượng theo quy định ở các lớp mầm non khá phổ biến. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới?
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, việc các nhóm trông giữ trẻ thuê địa điểm nhà dân, chung cư hoạt động là ở những khu vực hệ thống trường mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Những cơ sở này phù hợp nhu cầu của người dân về thời gian, cự ly, khoảng cách. Tuy nhiên, một số chủ nhóm lớp nhận thức còn hạn chế, chưa nắm vững được pháp luật.
Ngoài ra, công tác quản lý nhóm trông giữ trẻ phân được cấp cho các các xã, phường quản lý và do đặc điểm về nhân sự, chuyên môn về phân cấp quản lý nên còn tồn hạn chế, bộc lộ không ít sai sót.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết thêm: Sở đã xác định có 6 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với các trường ngoài công lập, nhất là đối với cấp mầm non; ban hành các hành văn bản chỉ đạo đối với nhóm trông giữ trẻ, lớp mẫu giáo hoạt động tư thục, tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn; yêu cầu các địa phương công khai giấy phép trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở đẩy mạnh sự phối hợp các địa phương và xác định vai trò phân cấp các địa phương là rất quan trọng. Sở đã hướng dẫn tới các đơn vị về thủ tục cấp phép cho các nhóm trông giữ trẻ và có văn bản tập huấn, nâng cao nghiệp vụ. “Hiện 100% nhóm trông giữ trẻ được tập huấn bằng hình thức online” - ông Chử Xuân Dũng cho biết.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, qua kiểm tra, tình trạng giáo viên phụ trách lớp không có trình độ sư phạm giáo viên mầm non không còn. Toàn địa bàn thành phố đã giảm được 441 nhóm trông giữ trẻ vượt quá sỹ số quy định, đồng thời cơ quan chức năng đã xử lý đình chỉ 66 nhóm trông giữ trẻ, xử phạt 55 nhóm trông giữ trẻ vi phạm quy định.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thường xuyên nâng cao công tác giám sát cấp phép và sau cấp phép, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; kịp thời tuyên truyền nêu gương những điển hình tốt hoạt động trong lĩnh vực này./.