Hà Nội: Quận Đống Đa nỗ lực cao nhất để "hạ nhiệt" dịch COVID-19

Quận Đống Đa thành lập 21 Trạm Y tế lưu động; cấp túi thuốc A đến các phường để tổ chức triển khai quản lý, tư vấn, điều trị F0 tại nhà; các lực lượng phòng chống dịch ứng trực 24/24 giờ.
Hà Nội: Quận Đống Đa nỗ lực cao nhất để "hạ nhiệt" dịch COVID-19 ảnh 1 Xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến các ca mắc COVID-19 tại phường Văn Miếu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Quận Đống Đa là địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất thành phố Hà Nội. Đây cũng là quận duy nhất đang ở mức độ 3, tương đương màu cam trong bản đồ cấp độ dịch theo quy định. Hiện quận Đống Đa đang tập trung cao độ để hạ nhiệt, đổi màu hạn chế sự gia tăng và lây lan dịch trên địa bàn.

Ngõ nhỏ chật hẹp-nguy cơ dịch gia tăng

Theo Thông báo số 842/TB-UBND ngày 10/12/2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá quận Đống Đa thuộc cấp độ 3, trong đó có 7 phường ở cấp độ 3, 13 phường cấp độ 2 và một phường cấp độ 1.

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn quận có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng, Thổ Quan.

Về nguyên nhân dẫn tới số ca mắc COVID-19 cao nhất thành phố, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa cho biết, địa phương có diện tích khoảng xấp xỉ 10km vuông, với dân số gần 40 vạn dân sinh sống chủ yếu trong các con ngõ nhỏ, phố nhỏ và các tòa nhà chung cư.

Tại các phường như Văn Miếu, Văn Chương, Thổ Quan, Khâm Thiên, nhà dân, hàng quán san sát nhau. Có nhà chỉ khoảng hơn 20 mét vuông nhưng có tới 10 người ở. Nhân lực phục vụ cho các Tổ phục vụ phòng, chống dịch cơ sở còn hạn chế, đa số là người cao tuổi.

Mật độ dân cư đông, thành phần phức tạp, một số bộ phận có ý thức kém đang được đánh giá là nguyên nhân chính dẫn đến số ca mắc COVID-19 bùng phát trong thời gian qua ở Đống Đa.

Ngoài ra, quận có đầu mối giao thông quan trọng là Ga Hà Nội, từ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 15/12 đã đón 68 chuyến tàu với 7.916 hành khách, trong đó có 1.029 người lưu trú trên địa bàn quận Đống Đa, cũng là nguyên nhân dẫn tới số ca mắc COVID-19 trên địa bàn gia tăng.

Ủy ban Nhân dân quận cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống dịch tại một số nơi, một số đơn vị có lúc còn chủ quan, lúng túng, chưa thực hiện quyết liệt, kịp thời trong công tác phòng chống dịch.

Một bộ phận người dân còn lơ là, chưa chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch. Cá biệt còn có một số trường hợp không chấp hành, chống đối, gây khó khăn cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.

Dẫn tới, từ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 15/12, địa bàn quận ghi nhận 2.414 trường hợp F0 (1.827 F0 cộng đồng, 587 F0 tại khu cách ly tập trung) và 4.526 F1.

Các F0 ghi nhận tại 21 phường. Phường ghi nhận F0 nhiều nhất là Trung Phụng (349 ca), Ô Chợ Dừa (239 ca), Văn Miếu (215 ca).

Đáng chú ý, quận có một số ổ dịch phức tạp như: ổ dịch ngõ 59, ngõ 65 Nguyễn Chí Thanh (Láng Hạ) ghi nhận F0 đầu tiên ngày 30/11; tính đến 15/12 ghi nhận 13 ca dương tính.

Ổ dịch ngõ 56 Ngô Sỹ Liên (Văn Miếu) ngày 2/12 có ca F0 nhưng tính đến 15/12 ghi nhận 93 F0 (52 F0 cộng đồng và 41 F0 trong khu cách ly tập trung). Ngoài ra, một số ổ dịch khác có số người bị nhiễm ít hơn.

Hà Nội: Quận Đống Đa nỗ lực cao nhất để "hạ nhiệt" dịch COVID-19 ảnh 2Các địa điểm bị phong tỏa do có trường hợp mắc COVID-19 tại ngõ 162B phố Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Một thực tế nữa là tại Đống Đa, số ca F0 tăng, lực lượng y tế cơ sở đang quá tải, dẫn tới có khu dân cư còn có F0 đang chờ được chuyển tới cơ sở tuyến trên điều trị.

Mặc dù lực lượng y tế cơ sở đang làm việc rất vất vả nhưng phụ cấp cho công việc còn hạn chế.

Theo một Trưởng Trạm Y tế phường trên địa bàn quận Đống Đa, trước đây điều tra truy vết 2-3 trường hợp F0 được chấm 1 công/ ngày. Nay số ca F0 tăng lên nhiều cũng chỉ được chấm 1 công/ngày (300.000 đồng/ngày).

Ngoài ra, nhân viên y tế được hưởng thêm phụ cấp cho người làm công tác tiêm chủng tối đa 150.000 đồng/ngày, dù phải tiêm gấp 10 lần số người mỗi ngày so với trước (mức hỗ trợ theo Nghị quyết 16/NQ-CP).

“Nếu các cấp không có điều chỉnh hỗ trợ cho cán bộ y tế cơ sở sẽ rất thiệt thòi, khi vừa phải làm việc trong khu vực nguy hiểm, công việc lại nhiều,” vị bác sỹ trăn trở.

Từng bước khống chế dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, quận Đống Đa đã đề ra nhiều biện pháp để ngăn sự lây lan của virus.

Ủy ban Nhân dân quận đã ban hành Quyết định thành lập 21 Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung điều trị người mắc COVID-19) tại 21 phường và chỉ đạo Trung tâm Y tế quận khẩn trương cấp túi thuốc A đến các phường để tổ chức triển khai quản lý, tư vấn, điều trị F0 tại nhà.

Đồng thời, các phường thực hiện rà soát, lập danh sách, có khoảng 30% hộ gia đình đủ điều kiện để điều trị F0, cách ly F1 tại nhà.

[Hà Nội triển khai cấp phát thuốc Molnupiravir điều trị F0 tại nhà]

Dự kiến số F0 có thể gia tăng hoặc F0 chuyển biến nặng, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa yêu cầu các lực lượng tham gia phòng, chống dịch phải thường xuyên ứng trực 24/24 giờ, luôn sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp khi người dân có nhu cầu, đảm bảo đáp ứng tình hình dịch bệnh.

Theo ông Trịnh Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, địa phương đang đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội cùng vào cuộc, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác tuyên tuyền vận động, kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa bàn.

Mục tiêu quận đặt ra là hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm trong cộng đồng; đảm bảo người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, quan tâm, hướng dẫn, điều trị F0 tại tầng 1 hiệu quả.

Ngoài ra, quận huy động các nguồn lực hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở thu dung điều trị F0, cách ly F1 và Trạm Y tế lưu động tại 21 phường.

Với những bệnh nhân nặng, quận sẽ bố trí điều trị ở Trạm Y tế lưu động số 1 quận Đống Đa tại Ký túc xá Trường Đại học Thủy Lợi.

Cũng theo Phó Chủ tịch quận, Đống Đa đang vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch: bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

Ngoài ra, quận tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao: khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giao nhận hàng hóa, nơi tập trung đông người; chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Đề cập đến việc hiện nay trên địa bàn quận đang có nhiều F0 cần được quan tâm điều trị hợp lý, ông Trịnh Hữu Tuấn cho biết, dù lực lượng y tế còn mỏng nhưng đã có nhiều cố gắng đảm đương công việc.

Các nhân viên y tế cơ sở, cùng với chính quyền cơ sở đang rất tích cực phân tầng điều trị, quản lý các F0 tại nhà. Trong trường hợp, các bệnh nhân có chuyển biến nặng, khẩn cấp nhân viên y tế cơ sở sẽ phối hợp với các bệnh viện để chuyển tuyến bệnh nhân lên điều trị kịp thời.

Ông Tuấn nhìn nhận, lực lượng y tế cơ sở đang làm việc rất vất vả khi số F0 trên địa bàn tăng cao, nhưng phụ cấp cho công việc còn hạn chế, chưa đáp ứng được công sức bỏ ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ cho lực lượng này để yên tâm làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục