Chị Nguyễn Thu Thủy, trưởng ban phụ huynh Trường Tiểu học Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, các thành viên trong ban phụ huynh thường xuyên thay phiên nhau đến kiểm tra thực phẩm tại trường, ở cả khâu giao nhận, chế biến và đưa bữa ăn đến học sinh.
Để kiểm tra và nhận thực phẩm cùng nhà bếp và đại diện nhà trường, chị phải có mặt tại Trường Tiểu học Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) từ sáu giờ sáng. Cẩn thận xem kỹ từng mớ rau, miếng thịt, chị Thủy thấy yên tâm hơn về chất lượng thực phẩm mà con mình sẽ ăn tại trường.
“Thực phẩm phải sạch thì thức ăn mới đảm bảo nên chúng tôi cùng nhà trường kiểm tra thực phẩm mỗi sáng. Thời điểm này đang có nhiều thông tin về các loại bệnh lây nhiễm nên chúng tôi càng quan sát, kiểm tra kỹ hơn,” chị Thủy chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thùy Dương, phụ huynh Trường Tiểu học Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) lại đảm nhận việc giám sát quy trình chế biến thực phẩm tại trường, mỗi tuần một lần, cùng một số phụ huynh khác.
[Bắc Ninh: Xét nghiệm sán lợn miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non ]
Chị Dương cho biết, việc kiểm tra, giám sát giao nhận và chế biến thực phẩm tại trường được các phụ huynh thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, khi thông tin về an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nóng” thì việc giám sát được thực hiện thường xuyên hơn.
“Ngoài cảm quan chúng tôi còn phải ngửi mùi nếu thấy nghi ngờ về chất lượng của thực phẩm, để yêu cầu nhà cung cấp đổi lại. Chúng tôi cũng kiểm tra dụng cụ chế biến thực phẩm, khay ăn của các con…" chị Dương chia sẻ.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội), các phụ huynh cũng lên lịch phân chia giữa các lớp để thực hiện giám sát thực phẩm cùng nhà trường, kiểm tra đột xuất các bữa ăn học đường.
Theo bà Lê Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đền Lừ, việc tham gia giám sát trực tiếp đã giúp phụ huynh yên tâm hơn về bữa ăn của con mình tại trường học, cũng giúp nhà trường công khai minh bạch hơn trong hoạt động tổ chức bán trú.
“Chúng tôi kết hợp với ban phụ huynh kiểm tra chất lượng đầu vào thực phẩm, ngày nào cũng đủ 5 thành phần: ban giám hiệu, kế toán, y tế, giáo viên trực và ban phụ huynh. Phụ huynh đôi khi sẽ kiểm tra đột xuất, khi vào bữa ăn, hay lúc chế biến, nhận thực phẩm. Chúng tôi cũng thường xuyên lấy ý kiến phụ huynh về thành phần các bữa ăn, đơn vị cung cấp để đảm bảo bữa ăn cho các con,” bà Hoa chia sẻ.
Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, cho rằng vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc giám sát để đảm bảo chất lượng thực phẩm. Phụ huynh khách quan và sẽ là người sát sao nhất với chất lượng thực phẩm, vì sức khỏe của chính con em họ.
Tại thành phố Hà Nội, có gần 2.000 trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh, gần 100 đơn vị cung cấp thực phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để đảm bảo an toàn thực phẩm trường học, bên cạnh sự tăng cường thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, sự giám sát của phụ huynh học sinh, các trường cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình.
“Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đã có văn bản quy định rõ ràng, nhập thực phẩm có nguồn gốc, giao hàng phải kiểm tra. Vì hiện nay nhiều trường tự nấu khó khăn, phải ký hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn. Việc đảm bảo nguồn gốc thì các công ty hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, còn về nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới khi liên quan đến thức ăn,” ông Tiến nói./.