Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời với khôi phục kinh tế

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, kinh tế quý 1/2020 đối mặt với những khó khăn, thách thức từ diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của dịch COVID-19.
Phố Lê Thái Tổ đoạn Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội vắng vẻ ngày 4/4/2020. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Phố Lê Thái Tổ đoạn Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội vắng vẻ ngày 4/4/2020. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Những tháng đầu năm 2020, Hà Nội cũng như cả nước chịu nhiều tác động kinh tế, thậm chí dự báo có khả năng suy thoái trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lan rộng. Tuy nhiên, trước khó khăn thử thách, Hà Nội với vai trò kinh tế đầu tàu cũng đang đặt ra quyết tâm cao để khôi phục và phát triển kinh tế.

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, kinh tế quý 1/2020 đối mặt với những khó khăn, thách thức từ diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của dịch COVID-19, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Trước tình hình đó, thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đưa ra các giải pháp về kinh tế, tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu các tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh.

Vì vậy, kinh tế thành phố vẫn tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2020 ước tính tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng quý 1 năm nay đạt mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, đặc biệt là các ngành du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến,chế tạo, hoạt động xuất nhập khẩu và một số ngành dịch vụ khác.

[Hà Nội đảm bảo đủ nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân chống dịch]

Tăng trưởng GRDP khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,17% so cùng kỳ năm trước, làm giảm điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm, chủ yếu do chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, sản lượng một số cây vụ Đông năm nay cũng giảm so cùng kỳ do diện tích gieo trồng giảm. Riêng chăn nuôi gia cầm và hoạt động thủy sản tiếp tục tăng khá. Khu vực công nghiệp-xây dựng quý 1 tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước góp phần vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của thành phố.

Thời gian này, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là những ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc.

Về nông nghiệp, sản xuất cây vụ đông đến trung tuần tháng 3, thành phố đã thu hoạch xong cây trồng vụ Đông với tổng diện tích gieo trồng toàn thành phố đạt 28.700ha, bằng 89,9% vụ Đông năm trước.

Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời với khôi phục kinh tế ảnh 1Vùng sản xuất rau an toàn Tiền Yên, huyện Hoài Đức cung cấp gần 20 tấn rau sạch mỗi ngày cho thị trường Thủ đô. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Một lĩnh vực khá quan trọng là chăn nuôi phục vụ thực phẩm cho thị trường, đàn trâu, bò nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Về chăn nuôi lợn, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát và không phát sinh thêm ổ dịch mới. Đàn gia cầm phát triển ổn định, tuy nhiên do thời tiết diễn biến bất lợi, mưa phùn, lạnh, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, bệnh cúm gia cầm (A/H5N6) xảy ra cục bộ trên địa bàn.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố ước tính thực hiện quý 1 đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư thực hiện từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ, chủ yếu do các dự án đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn do giao dịch thương mại, thông quan bị đình trệ.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 646,4 triệu USD; trong đó vốn của 170 dự án cấp mới và 36 dự án tăng vốn đạt 389 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần trị giá 257,4 triệu USD. Đến nay, thành phố có 6.102 dự án còn hiệu lực, vốn đầu tư đăng ký đạt 42,75 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 21,1% số dự án và 12,2% vốn đăng ký của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 2.744 triệu USD, giảm 18,1%; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 5.832 triệu USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2020 tăng 5,23% so với bình quân cùng kỳ năm 2019....

Đặt quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ “kép”

Trước tình hình khó khăn nêu trên, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố dồn sức thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo điều kiện hết sức thuận tiện, thông thoáng, nhanh gọn để thu hút tối đa nguồn lực, vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp vào địa bàn.

Chờ khi hết dịch, Hà Nội sẽ có các biện pháp, giải pháp kích cầu, gây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện để phát triển mạnh du lịch đồng thời, đẩy mạnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo nơi lưu trú, khách sạn sạch sẽ, an toàn dịch bệnh.

Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời với khôi phục kinh tế ảnh 2Phát thực phẩm cho người có nhu cầu tại địa chỉ số 63-65 phố Hàm Long (Hoàn Kiếm). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thành phố thực hiện tiết kiệm chi phí chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội; kêu gọi các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần chi phối thuộc thành phố thực hiện tiết giảm chi tiêu, chi phí hoạt động để dành kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; rà soát, hỗ trợ những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù.

Song song đó, thành phố chỉ đạo tập trung chỉ đạo các cấp, cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, vốn lớn như: tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông; Nhổn-Ga Hà Nội, tuyến đường Vành đai 2…Thành phố cũng tập trung và đẩy nhanh xử lý, giải quyết các dự án điểm nóng để ổn định trật tự xã hội ...

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân, tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản đang/sắp vào vụ thu hoạch trước nguy cơ dư nguồn cung, giải tỏa áp lực cho hoạt động xuất khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt; khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: technode)

Hàn Quốc: Kỷ nguyên robot đang đến gần

Giai đoạn cuối năm 2024 cũng chưa có nhiều người có thể dự đoán rằng robot sẽ trở thành ngôi sao bất ngờ trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc vào đầu năm 2025.