Ngày 6/4, tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý 1 năm nay của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, thời gian tới thành phố sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội vì chưa thể đánh giá được điểm dừng của dịch COVID-19
Do đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, cùng doanh nghiệp và người dân vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa đẩy mạnh thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng yếu thế và các đối tượng được trợ cấp do ảnh hưởng của dịch.
Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương và người dân thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chỉ thị số 16/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ.
Các cấp ủy, chính quyền của thành phố cần tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả; tập trung cao độ, ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức tiếp tục chủ động ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch đến phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã, sở, ban ngành trong giải quyết công việc cho người dân, thực hiện mua sắm các trang thiết bị y tế để chống dịch cần đúng quy trình nhưng trên quan điểm phải nhanh, dứt khoát.
Thành phố cũng giao Sở Công thương Hà Nội làm tốt công tác kết nối cung cầu với các địa phương, doanh nghiệp để tạo điều kiện cung ứng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Ngành giáo dục thành phố tập trung các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức phòng chống dịch bệnh để học sinh đi học lại nếu đủ điều kiện; thống kê con em hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và các giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch để đề xuất chính sách hỗ trợ.
[Thêm 4 ca mắc bệnh COVID 19, trong đó 1 người liên quan BV Bạch Mai]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng lưu ý Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tăng cường bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Các doanh nghiệp trực thuộc thành phố rà soát lại hoạt động của đơn vị để đánh giá tác động của dịch COVID-19, chủ động xây dựng lại quy trình quản lý, cắt giảm chi phí tối đa.
Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố tiếp tục triển khai hoạt động kiểm tra công vụ và kiểm tra đột xuất. Liên quan đến vấn đề này, thành phố cũng đang xem xét trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nam Đồng khi chậm trễ thực hiện cách ly phòng dịch, dẫn đến việc một trường hợp không được kịp thời đưa đến cơ sở y tế cách ly theo quy định.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, qua rà soát, Hà Nội đã ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở huyện Mê Linh có tiền sử đến khám tại Khoa miễn dịch dị ứng của Bệnh viện Bạch Mai và đề nghị các quận huyện kiểm soát chặt chẽ công tác khai báo tạm trú, tạm vắng, các cơ sở lưu trú; rà soát đầy đủ tất cả các trường hợp có tiền sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 23 giờ ngày 5/4, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 96 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 94 trường hợp được cách ly điều trị tại Hà Nội và 2 trường hợp cách ly điều trị tại tỉnh khác.
Đáng chú ý, trong số 96 trường hợp nói trên, có 36 trường hợp phát hiện do xét nghiệm sàng lọc người đi về từ vùng dịch tại sân bay hoặc các điểm cách ly tập trung (chưa về địa phương).
Trong số 60 trường hợp phát hiện tại cộng đồng, 36 trường hợp có liên quan tới ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (22 người là nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Sinh), 17 trường hợp phát hiện qua sàng lọc người về từ vùng dịch tại cộng đồng, 5 trường hợp lây nhiễm qua tiếp xúc gần tại cộng đồng, 2 bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội nhận định, số ca mắc cơ bản vẫn là những người đi từ nước ngoài về (53 trường hợp chiếm 55,2% số ca mắc). Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều ca mắc tại cộng đồng và lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai). Đáng lưu ý là tình hình dịch tại Bệnh viện Bạch Mai có diễn biến phức tạp.
Trong thời gian tới có thể có nhiều trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng. Kết quả rà soát các trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai cũng cho thấy, trong ngày 5/4 các đơn vị đã rà soát được 25.305 trường hợp tại cộng đồng, đã lấy xét nghiệm được 12.802 trường hợp, kết quả 4.405 âm tính, 4 dương tính, còn lại đang chờ kết quả.
Thành phố đã tổ chức cách ly tập trung 631 người nhà của bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, đã lấy mẫu xét nghiệm được 631 trường hợp, trong đó chỉ có 1 trường hợp dương tính.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, thời gian tới các bệnh viện của thành phố sẽ tiếp nhận các ca bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính, biểu hiện lâm sàng nhẹ, các ca nặng sẽ tiếp tục chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Hiện Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội triển khai các chốt giám sát phục vụ thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố.
Các quận, huyện, thị xã đang khẩn trương rà soát, tiến hành cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai theo công điện khẩn của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Các quận, huyện đảm bảo quản lý chặt chẽ các khu vực cách ly liên quan tới các trường hợp mắc COVID-19 và cung cấp lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân khu vực cách ly; trực tiếp nhận thông tin dịch bệnh 24/24 qua đường dây nóng: 0969.082.115 và 0949.396.115.
Các đội phản ứng nhanh của các bệnh viện, trung tâm Y tế thường trực sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được điều động./.
Như vậy tính đến nay Việt Nam đã ghi nhận 245 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đã có 91 trường hợp đã công bố chữa khỏi, chưa có ca tử vong. Trên thế giới, tính đến 18 giờ ngày 6/4 đã ghi nhận 1.282.383 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 70.183 trường hợp tử vong, 269.494 trường hợp đang hồi phục. |