Ngày 4/12, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020; định hướng phối hợp công tác năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, có thể tăng thêm nguồn thu; gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển, thành phố rất cần Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, hợp tác, hỗ trợ thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Ngoài vấn đề chi ngân sách, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách về thu ngân sách; vướng mắc về giá, thuế, phí để thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ công; tăng vay vốn ODA; phát hành trái phiếu địa phương để đầu tư cho phát triển.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhưng thu nội địa của Hà Nội vẫn đạt gần 80%.
Thu nội địa của Hà Nội bình quân tăng 9,7%, trong khi cả nước đạt 8,8% và thu nội địa của Hà Nội chiếm 21% cả nước. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Thu nội địa tăng cao và liên tục như thế chứng tỏ nội lực của Hà Nội ổn định, bền vững".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị, Hà Nội cần xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, phù hợp với định hướng chung của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2021-2025.
Hà Nội nên tiếp tục có giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác tiềm năng thế mạnh, sức cạnh tranh của thành phố để thu hút thêm vốn đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao gắn với hoạt động của các trung tâm nghiên cứu phát triển, tạo cơ sở tăng thu bền vững cho ngân sách.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cùng chung quan điểm rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện chủ động nguồn lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công, đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch mà cấp có thẩm quyền quyết định.
Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát giá, cũng như siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, nhất trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, dịch vụ công.
[Hà Nội định hướng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công]
Trước đó, trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính với thành phố Hà Nội rất chặt chẽ với 8 kết quả nổi bật.
Trong đó, nhờ tăng cường công tác điều hành, từ năm 2016 đến nay, thành phố đều hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước Trung ương giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,18 triệu tỷ đồng, bằng 1,63 lần so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, chiếm 19% tổng thu ngân sách của cả nước.
Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 ước đạt 383.011 tỷ đồng, bằng 1,37 lần so với giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7-8%/năm. Công tác bố trí chi thường xuyên ở mức hợp lý, ưu tiên nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Thành phố đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 16.000 tỷ đồng để có nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, thực hiện dự toán chi trả nợ.
Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; ban hành quy định về tiêu chí phân bổ riêng cho Thủ đô trong định mức phân bổ giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Thủ đô...
Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 72/2017/TT-BTC theo hướng để các ban quản lý dự án chuyên ngành tự thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi phù hợp với cơ chế tự chủ của đơn vị; hướng dẫn nội dung ứng vốn quỹ phát triển đất của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án cấp bách, cấp thiết cần triển khai sớm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng phương án giá tiêu thụ nước sạch...
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong giai đoạn tới./.