Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra 859 dự án trên địa bàn thành phố.
Qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện 336 dự án với diện tích hơn 1.400 ha có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai, chậm nộp nghĩa vụ tài chính, cần phải tiến hành kiểm tra, thanh tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Trong số này, có 35 dự án với diện tích gần 538ha vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; 157 dự án, diện tích gần 625ha có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai, để hoang hóa; 53 dự án, diện tích gần 116ha chậm tiến độ 24 tháng so với dự án đầu tư được duyệt; 107 dự án, diện tích hơn 144ha chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 2.343 tỷ đồng.
Theo ông Nghĩa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm dự án vi phạm Luật Đất đai nêu trên là do việc thực hiện quy hoạch phân khu làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; trong đó có những dự án phải tạm dừng triển khai để chờ quy hoạch được phê duyệt.
Bên cạnh đó, chính sách quy định về khung giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thay đổi theo Nghị định 69 của Chính phủ, dẫn đến nhiều dự án nằm trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các thời kỳ phát sinh vướng mắc; một số dự án thiếu quỹ nhà, đất tái định cư, các chủ đầu tư không chủ động tự lo quỹ nhà tái định cư.
Ngoài ra, năng lực tài chính thực hiện dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế, thậm chí còn chờ đợi thị trường bất động sản phát triển trở lại mới thực hiện dự án. Nhiều chủ đầu tư cũng chưa có kinh nghiệm, lúng túng trong việc phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
Trước thực tế nêu trên, ông Nghĩa cho rằng theo quy định của pháp luật về đất đai, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý phạt hành chính cho đến thu hồi đất. Các trường hợp vi phạm phải rõ nguyên nhân (như dự án phải dừng lại chờ rà soát sau khi hợp nhất, không còn phù hợp với quy hoạch chung, do kinh tế suy thoái, thị trường trầm lắng).
“Cùng với đó, các sở, ngành cũng phải có thời gian xác minh, làm rõ; nhiều trường hợp phải thanh tra để có phương án xử lý phù hợp. Vì vậy, không phải trường hợp nào vi phạm cũng quyết định thu hồi đất.
Ngoài ra, có trường hợp theo quy định của pháp luật đủ điều kiện thu hồi, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn vị có phương án khắc phục khả thi thì cần có thời gian để họ thực hiện,” ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, ông Nghĩa đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao các Sở, ngành chức năng và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm đối với từng dự án.
Đối với 35 dự án chậm triển khai vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố lập đoàn kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện dự án, đề xuất xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền.
Đối với 157 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất hoặc sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái phép, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, xử lý.
Cùng với đó, các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, đầu tư. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, các trường hợp đã gia hạn thời gian sử dụng đất đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng không khắc phục vi phạm, chưa triển khai thực hiện dự án thì đề xuất thu hồi đất theo quy định./.