Hà Nội: Phát động phong trào thi đua thiết thực phòng, chống lãng phí

Trong phong trào phòng chống lãng phí, huyện Đông Anh đặt mục tiêu rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên phát biểu. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên phát biểu. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)

Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát động phong trào chống lãng phí, tại Hà Nội, một số quận, huyện đã có những hành động cụ thể để hưởng ứng, theo đúng với tình hình thực tế của địa phương.

Ngày 20/12, Huyện ủy Đông Anh là địa phương đầu tiên tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực phòng, chống lãng phí năm 2025 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, huyện đề ra 3 chương trình hành động trong thực hành phòng, chống lãng phí gồm: “3 sạch” (ăn sạch, ở sạch và thở sạch); quản lý và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp công ích; quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh cho biết, dựa trên tình hình, đòi hỏi thực tế của địa phương, huyện phát động thi đua phòng, chống lãng phí gắn với 3 nội dung trên.

Hiện, Đông Anh đã cơ bản đạt các tiêu chí trở thành quận trong thời gian tới, do vậy việc “3 sạch” là đòi hỏi tất yếu khách quan để phát triển bền vững.

Theo tiêu chí “3 sạch,” huyện Đông Anh xác định sẽ định hướng nhân dân sản xuất cung ứng những thực phẩm sạch, giữ vệ sinh nơi ở, học tập và làm việc sạch sẽ, chung tay bảo vệ môi trường.

Những yếu tố trên sẽ giúp nhân dân có sức khỏe tốt, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới.

Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh phân tích thêm, địa phương có khoảng 2000ha đất công ích đang trong quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ, có nguy cơ bị chiếm dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Vì vậy, trong phong trào phòng, chống lãng phí, huyện đặt mục tiêu phải rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông.

Đối với tài sản công, huyện sẽ tiến hành rà soát (công trình, thiết bị) để quản lý, sử dụng đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Để phong trào thi đua phòng, chống lãng phí từng bước đi vào đời sống, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên đề nghị mỗi đảng viên cần nêu cao sự gương mẫu đi đầu thực hiện; mỗi cấp ủy các cấp coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện phong trào thi đua tiết kiệm, phòng, chống lãng phí. Trên cơ sở đó, huyện tiến hành tổng kết để đánh giá, khen thưởng và kịp thời phê bình những địa phương chưa có chuyển biến sâu về nhận thức và hành động.

Về giải pháp thực hiện phong trào thi đua trên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các chi bộ xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống lãng phí đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

hn-chong-lang-phi2-resize.jpg
Huyện ủy Đông Anh phát động phong trào thi đua thiết thực phòng, chống lãng phí năm 2025 và những năm tiếp theo. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)

Huyện chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phát động phong trào thi đua để các hội viên, đoàn viên thống nhất về nhận thức, cùng chung tay thực hiện có hiệu quả, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác,” “tự nguyện,” “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày,” niềm tự hào của người Đông Anh.

“Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong thực hiện phong trào thi đua chống lãng phí. Huyện ủy sẽ coi đây là nội dung bình xét thi đua hằng năm của các đơn vị cơ sở đảng trên địa bàn,” Bí thư Huyện ủy Đông Anh nhấn mạnh.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.”

Với việc ban hành Quyết định này, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. Điều này thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của thành phố.

Nhấn mạnh những nhóm nhiệm vụ cụ thể, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mong muốn, Ban Chỉ đạo sớm xác định, nhận diện các nhóm nội dung về phòng, chống lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả; đặc biệt lưu ý về thể chế và quy trình thủ tục của các cơ quan còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả giải quyết công việc chung… Vì vậy, các đơn vị tập trung cải cách, thay đổi quy trình để giảm thời gian làm thủ tục.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh phòng, chống lãng phí là vấn đề lâu dài, tác động đến quản trị, vận hành bộ máy. Theo đó, cần xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục