Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết với sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2021 đã từng bước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp chân chính.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu như vậy tại Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Công Thương đồng tổ chức, ngày 11/3.
Sau hơn 10 năm thực thi, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét thảo luận tại Phiên họp tháng 10 tới.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới.” Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường. Cùng đó, kêu gọi các cấp, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, những năm qua việc đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[TP.HCM kiểm soát chặt hàng hóa liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng]
Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm giao dịch, mua sắm, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt 5 nhiệm vụ; trong đó, tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Công Thương và Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là kinh doanh trên môi trường mạng; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tri ân người tiêu dùng…
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay năm 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố, và chi tiêu của người dân.
Vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật. Điều này nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia mua sắm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, và kinh doanh trên môi trường mạng đang phát triển rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại tri ân người tiêu dùng để thu hút nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm hơn nữa. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế năm 2022 của thành phố.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền đến cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm để hiểu rõ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết, xác nhận các hợp đồng mẫu liên quan đến các lĩnh vực tiêu dùng của người dân nhằm bảo đảm nhiều nhất quyền lợi của người tiêu dùng theo đúng các quy định của pháp luật./.