Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các cấp, ngành tập trung nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 27/4/2022, Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước năm 2021 về chỉ số PCI.
Chỉ số PCI năm 2021 của Hà Nội xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, giảm 1 bậc so với năm 2020 và 2019, tăng 14 bậc so với năm 2015, tăng 41 bậc so với năm 2012, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.
Năm 2021, Hà Nội có 8/10 chỉ số tăng hạng so với năm 2020. Chỉ số "Môi trường cạnh tranh bình đẳng" xếp thứ 51, tăng 1 bậc; chỉ số "Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố" xếp thứ 29, tăng 15 bậc; chỉ số "Đào tạo lao động" xếp thứ 1, tăng 3 bậc.
Chỉ số "Chi phí gia nhập thị trường" xếp thứ 44, tăng 17 bậc; chỉ số "Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất" xếp thứ 50, tăng 6 bậc; chỉ số "Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp" xếp thứ 4, tăng 9 bậc; chỉ số "Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự" xếp thứ 48, tăng 6 bậc.
Chỉ số "Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước" xếp thứ 5, tăng 22 bậc; 2/10 chỉ số giảm hạng so với năm 2020 là: chỉ số "Chi phí không chính thức" xếp thứ 29, giảm 3 bậc; chỉ số "Tính minh bạch và tiếp cận thông tin" xếp thứ 57, giảm 23 bậc...
[Vì sao chỉ số cải cách hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh tụt hạng?]
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt quyết tâm cao phấn đấu chỉ số PCI nằm trong nhóm các địa phương có thứ hạng cao so với cả nước. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung quyết liệt khắc phục các chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể và các chỉ số rơi vào nhóm có xếp hạng rất thấp.
Chẳng hạn, như chỉ số giảm hạng đáng kể so với năm 2020 cần tập trung quyết liệt khắc phục là "Tính minh bạch và tiếp cận thông tin" (xếp thứ 57/63, giảm 23 bậc).
Các chỉ số tuy đã tăng bậc so với năm 2020 nhưng vẫn còn rơi vào nhóm xếp hạng rất thấp như "chi phí gia nhập thị trường" (xếp thứ 44/63). Chỉ số "Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất" (xếp thứ 50/63, tăng 6 bậc).
Chỉ số "Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự" (xếp thứ 48/63, tăng 6 bậc). Chỉ số "Môi trường cạnh tranh bình đẳng" (xếp thứ 51/63, tăng 1 bậc). Chỉ số "Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh" (xếp thứ 29/63). Chỉ số "Môi trường cạnh tranh bình đẳng" (xếp thứ 51/63, tăng 1 bậc)...
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đầu mối đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử.
Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án: "Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’;’ "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;" "Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội;" "Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025..."
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố... cho công dân, doanh nghiệp.
Các biểu mẫu hướng dẫn phải đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện và thường xuyên được cập nhật. Tiến tới doanh nghiệp chỉ phải thực hiện những nội dung mà các đơn vị đã công khai. Thời hạn hoàn thành việc công khai, cập nhật thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị trước ngày 30/8 tới./.